Hôm thứ Hai (24/1), chính phủ Pháp đã ban hành một luật mới, trong đó ngăn chặn những người chưa tiêm chủng COVID-19 vào hầu hết các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar, địa điểm du lịch và địa điểm thể thao.

Embed from Getty Images

Biện pháp này áp dụng cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên chưa tiêm vắc-xin virus corona, nhưng không áp dụng cho những người mới khỏi bệnh COVID-19 gần đây.

Kể từ mùa hè năm ngoái, Pháp đã yêu cầu phải có “thẻ y tế” để vào bất kỳ quán cà phê, viện bảo tàng, và rạp chiếu phim nào cũng như để được đi xe lửa trong khu vực hoặc bay nội địa. Tuy nhiên, cho đến hôm 24/1, những người chưa tiêm chủng có thể kích hoạt thẻ này khi có được kết quả xét nghiệm âm tính gần đây.

Sáng kiến mới của chính phủ Pháp được đưa ra trong bối cảnh các quan chức y tế Pháp lo ngại quốc gia châu Âu này đang phải đối mặt với sự tăng chóng mặt các ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Hiện tại, Pháp vẫn đang ghi nhận số ca nhiễm virus corona hàng ngày cao nhất châu Âu.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu, Pháp có số người tiêm chủng COVID-19 cao hơn mức trung bình của châu Âu, với gần 76% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, so với mức trung bình 69,7% ở các khu vực trong Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA).

Biện pháp mới thông qua thẻ vắc-xin là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm gây khó khăn cho cuộc sống của những người tiêm chủng đến mức cuối cùng buộc họ sẽ phải đi tiêm chủng.

Các nhà phê bình nghi vấn về động thái mới của Tổng thống Macron và nghi ngờ liệu thẻ vắc-xin có tạo ra nhiều khác biệt ở một quốc gia mà 94% người lớn đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin hay không.

Sau khi công bố kế hoạch tiêm chủng COVID-19 của mình, gần đây Tổng thống Macron bị công chúng và các đối thủ chính trị chỉ trích nặng nề. Họ nhận định,  chiến lược của ông sẽ “gây phiền phức” cho những người từ chối tiêm vắc-xin và khiến cuộc sống của họ khó khăn để cuối cùng họ phải đi tiêm vắc-xin.

Hồi đầu tháng, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien, Tổng thống Macron tuyên bố: “Tôi không gây phiền phức cho người Pháp… Bây giờ, tôi thực sự muốn gây phiền phức cho những người chưa tiêm chủng. Và vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó, cho đến khi kết thúc. Đây là chiến lược.”

Vài ngày sau đó. tổng thống Pháp cho biết, ông bảo vệ phát biểu trước đó của mình, đồng thời lưu ý, trách nhiệm của ông là gióng lên hồi chuông cảnh cáo về mối đe dọa do biến thể Omicron của virus corona gây ra.

Tổng thống Macron khẳng định: “Tôi bảo vệ phát biểu trước đó của mình.” Đồng thời ông nhấn mạnh, chính quyền có nghĩa vụ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng, để bảo vệ những công dân Pháp đã tiêm chủng.

Theo quy định của thẻ vắc-xin, để được xem là “đã tiêm chủng đầy đủ” , trẻ em từ 12 -1 7 tuổi sẽ không bị yêu cầu tiêm liều tăng cường, nhưng người lớn sẽ cần phải tiêm liều tăng cường. Trong khi đó, hôm thứ Hai (24/1), Pháp cho phép trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm liều tăng cường.

Theo các nghiên cứu, biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hơn biến thể Delta trước đó. Biến thể Omicron dễ lây truyền hơn so với các biến chủng khác của virus corona và trở thành biến thể thống trị tại nhiều quốc gia. Các nghiên cứu phát hiện, nó dễ lây nhiễm hơn cho những người đã tiêm chủng hoặc từng nhiễm các biến thể COVID-19 khác trước đó.

Chính phủ Pháp chỉ áp đặt một ít hạn chế khác trước làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron gây ra, thay vào đó tập trung vào việc áp dụng “thẻ vắc-xin”, đã được Quốc hội và Hội đồng Hiến pháp của nước này thông qua vào tuần trước.

Trong nhiều tháng liên tiếp, nước Pháp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối các biện pháp hạn chế Covid-19 của chính phủ, bao gồm các cuộc biểu tình cuối tuần qua, khi hàng chục nghìn người trên toàn quốc xuống đường phản đối chính sách mới, chỉ trích các biện pháp hạn chế tăng cường sẽ vi phạm các quyền tự do hàng ngày của người dân.

Kể từ ngày 1/12/2021, khi chính phủ Pháp công bố sẽ áp dụng “thẻ vắc-xin”, những người biểu tình đã thường xuyên xuống đường để biểu tình phản đối quy định này.

Gia Huy (Theo NTD News, AP)

Xem thêm: