Người biểu tình đã đụng độ với lực lượng an ninh Pháp hôm thứ Năm (23/3) trong vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong chuỗi các cuộc biểu tình kéo dài ba tháng chống lại cải cách lương hưu gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron.

Embed from Getty Images

Chính phủ cho biết, hàng chục cảnh sát đã bị thương và hàng chục người biểu tình bị bắt trên toàn quốc, khi một ngày biểu tình biến thành bạo lực ở một số thành phố, trong đó có Paris, nơi những người biểu tình đốt lửa ở trung tâm thành phố.

Sự phẫn nộ về việc áp dụng cải cách – mà chính phủ đã chọn thông qua mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội – đã trở thành cuộc khủng hoảng trong nước lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron.

Nó cũng có nguy cơ phủ bóng đen lên chuyến thăm Pháp của Vua Charles III vào tuần tới, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên mà ông thực hiện với tư cách là một vị vua. Các công đoàn đã công bố các cuộc đình công và biểu tình mới vào thứ Ba, ngày thứ hai trong chuyến thăm của ông.

Số người biểu tình ở Paris và các thành phố khác lớn hơn nhiều so với những ngày biểu tình trước đó, theo AFP. Các cuộc biểu tình đã ngày càng cao trào khi ông Macron từ chối rút lại cải cách trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Tư.

Tại Paris, cảnh sát và người biểu tình đã đụng độ trên đường phố, lực lượng an ninh bắn hơi cay và tấn công đám đông bằng dùi cui.

Một số người biểu tình đốt lửa trên đường phố, đốt cháy các kệ hàng và đống rác không được thu gom, khiến lực lượng cứu hỏa phải can thiệp, phóng viên AFP cho biết.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết, trên toàn nước Pháp, 123 thành viên lực lượng an ninh đã bị thương và ít nhất 80 người bị bắt giữ.

Bộ Nội vụ cho biết khoảng 1,089 triệu người biểu tình đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp, riêng ở Paris là khoảng 119.000 người, mức cao nhất ở thủ đô kể từ khi phong trào bắt đầu vào tháng Giêng.

Con số này vẫn chưa bằng 1,28 triệu người tuần hành vào ngày 7 tháng 3, theo số liệu của chính phủ.

Tuy vậy, các công đoàn tuyên bố con số kỷ lục 3,5 triệu người đã biểu tình trên khắp nước Pháp và 800.000 người ở thủ đô.

Tại Paris, hàng trăm người biểu tình cực đoan mặc áo đen đã phá cửa sổ của các ngân hàng, cửa hàng và shop bán thức ăn nhanh, đồng thời phá hủy đồ đạc trên đường phố, các nhà báo của AFP đã chứng kiến.

Một nhà báo của AFP đã nhìn thấy các nhân viên y tế đang điều trị cho một người biểu tình bị thương.

Rác thải tích tụ trên đường phố do các cuộc đình công của những người thu gom rác đã trở thành mục tiêu hấp dẫn, những người biểu tình đốt rác chất đống ở trung tâm thành phố.

Những người biểu tình đã nhanh chóng chiếm giữ đường ray tại nhà ga xe lửa Gare de Lyon ở Paris, và một số người đã chặn lối vào sân bay Charles de Gaulle.

Một nửa dịch vụ tàu cao tốc của Pháp bị hủy, đường phố Paris vẫn ngập ngụa rác vì hành động đình công của những người thu gom rác.

Các công đoàn đã kêu gọi biểu tình ôn hòa. Laurent Berger, lãnh đạo của CFDT ôn hòa, cho biết: “Chúng tôi cần giữ quan điểm của công chúng cho đến cùng.”

Trước đó, một cuộc khảo sát vào Chủ nhật cho thấy tỷ lệ ủng hộ cá nhân của ông Macron chỉ ở mức 28%, mức thấp nhất kể từ phong trào biểu tình “Áo vàng” chống chính phủ vào năm 2018-2019.

Thực hiện theo chỉ thị của ông Macron, Thủ tướng Elisabeth Borne tuần trước đã viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp để thông qua cải cách mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. 

Các cuộc biểu tình hôm thứ Năm là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc đình công trên toàn quốc bắt đầu vào giữa tháng 1 để phản đối những thay đổi về lương hưu.

Bộ chuyển đổi năng lượng hôm thứ Năm đã cảnh báo rằng việc cung cấp dầu hỏa cho thủ đô và các sân bay của nó đang trở nên “nguy cấp” khi các nhà máy lọc dầu tiếp tục bị tắc nghẽn.

Kể từ khi chính phủ áp đặt cải cách vào thứ Năm tuần trước, các cuộc biểu tình hàng đêm đã diễn ra trên khắp nước Pháp, với những người trẻ tuổi phối hợp hành động của họ trên các dịch vụ nhắn tin được mã hóa.

Đã có hàng trăm vụ bắt giữ và cáo buộc cảnh sát sử dụng các chiến thuật nặng tay.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã bày tỏ sự báo động “về việc sử dụng rộng rãi vũ lực quá mức và các vụ bắt giữ tùy tiện được đưa tin trên một số phương tiện truyền thông”.

Xuân Lan (theo AFP)