Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ tham gia cùng với Tổng thống Mỹ Donald Trump để tạo một vòng kìm kẹp Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, như một phương án để tránh căng thẳng thương mại với chính Mỹ, Bloomberg nhận định.

trump merkel macron 2000px 2
Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp tại hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 6/2017 (Ảnh: Gabriele Maricchiolo/NurPhoto via ZUMA Press)

Hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất Châu Âu sẽ liên tiếp tới thăm Tổng thống Trump tại Washington trong tháng này, trong khi đồng hồ đang tích tắc quay đến hạn chót ngày 1/5, khi mà Liên minh Châu Âu phải đệ trình các giải pháp để Mỹ không áp thuế sắt và nhôm.

Một giải pháp khả thi có thể nằm tại các nỗ lực của Nhà Trắng để tạo nên một “liên minh thương mại sẵn sàng” đứng lên chống lại Trung Quốc về cái mà họ gọi là các hoạt động thương mại không công bằng. Động thái này hiện đang được chính quyền Berlin cũng như các nơi khác của EU ủng hộ. Trong khi đó, chuyến thăm đầy gai góc của ông Macron với Trung Quốc đầu năm nay có thể là một động lực khiến ông ta tham gia vào liên minh này.

EU chỉ là một mặt trận mà Mỹ đang cố gắng để viết lại các quy tắc thương mại quốc tế. Với việc ông Trump tuần trước đe dọa áp thêm thuế lên 100 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay sau khi Bắc Kinh đáp trả khoản thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Rủi ro đối với EU là thuế thép và nhôm mà ông Trump đe dọa có thể được kích hoạt từ ngay tháng sau, một việc có hiệu ứng dây chuyền có thể làm đứt quãng hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương trị giá 720 tỷ USD.

Châu Âu sẽ phải ra một quyết định rất khó khăn, đó là họ có chơi trò chơi này hay không”, Edward Alden, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại từ Washington nói với tờ Bloomberg. “Đó lại là sự nguyền rủa đối với niềm tin (toàn cầu hóa) của Merkel và Macron”.

Cùng lúc đó, bà Merkel – người vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 trong một chiến thắng không trọn vẹn, và ông Macron – nhà lãnh đạo trẻ thân EU của Pháp, đều phải chịu áp lực phải mang tới gì đó tới cuộc nói chuyện với ông Trump để kiềm chế căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tại Pháp, ông Macron đang phải vận lộn lèo lái con thuyền cải cách kinh tế và lao động, một vấn đề sẽ quyết định số phận chính trị của ông ta. Còn tại Đức, một cuộc tấn công đẫm máu vừa xảy ra tại thành phố Muenster hôm thứ Bảy đánh vào bà Merkel như một lời nhắc nhở về nghị trình an ninh quốc nội của bà, vốn là viên đá tảng trong chính phủ liên minh vừa lập, cũng là vấn đề có thể khiến bà rớt đài.

Một chủ đề chung trong các cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Pháp, Đức có thể là Trung Quốc. Cả ông Macron và bà Merkel đều tỏ thái độ dè chừng và coi sự vươn lên của Trung Quốc là một vấn đề ưu tiên cần đối phó. Hồi cuối tháng 1, sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ông Macron đã cam kết sẽ tìm kiếm sự hợp tác chiến lược với Berlin về vấn đề này.

Trên phương diện thương mại, EU đã có một hành động mạnh mẽ thể hiện quan điểm của họ vào hôm thứ Năm, là ủng hộ Mỹ trong vụ kiện tụng Mỹ-Trung tại Tổ chức Thương Mại Thế Giới về sự phân biệt đối xử với các hãng công nghệ nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định rằng ông sẵn sàng hành động cùng với Washington để chống lại việc sản xuất dư thừa của Trung Quốc trong thị trường thép, và đang tìm kiếm một cách tiếp cận chung sức chống lại hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ. Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu Daniel Rosario cũng nói rằng EU đã lên kế hoạch cho những cuộc họp cấp cao với Mỹ, trong đó có thảo luận về vấn đề sản suất dư thừa.

Một trong những đề xuất gửi tới phía Mỹ là chúng tôi nên thảo luận về việc làm thế nào đối mặt với hoạt động thương mại có lẽ là bất công từ Trung Quốc”, Juergen Hardt, người phụ trách vấn đề hợp tác xuyên Đại Tây Dương của chính quyền Merkel nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 23/3.

Nhà tư vấn kinh tế tại Nhà Trắng Larry Kudlow hôm thứ Năm, nói rằng một thỏa thuận đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể thành hiện thực, một phần bằng cách thuyết phục các nền kinh tế lớn khác vạch mặt các hoạt động thương mại bất công của Trung Quốc.

“Bất kỳ ai trên thế giới đều biết rằng Trung Quốc không chơi theo luật trong rất nhiều năm rồi”, ông Kudlow nói.

Châu Âu vẫn kiên định ủng hộ các quy định của WTO, tổ chức mà ông Trump từng chỉ trích thậm tệ là “vô dụng” và đã tạo ra một Trung Quốc bất kham như ngày nay. Các quan chức Châu Âu cũng cảnh báo rằng các cuộc thảo luận với ông Trump không nên bao hàm một sự thỏa hiệp, hay mềm yếu nào trước một quyết định “đơn phương” của Tổng thống Mỹ. Bloomberg nhận định, Tổng thống Pháp, 40 tuổi, sẽ có vị thế ngoại giao tốt hơn trong cuộc gặp song phương với ông Trump so với bà Merkel 63 tuổi. Ông Trump sẽ đón tiếp Tổng thống Pháp và phu nhân tại Mount Vernon bang Virginia, quê nhà của Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington. Chuyến thăm của bà Merkel, trong khi vẫn đang chờ đợi xác nhận các thông tin chi tiết khác, được tiết lộ là do bà Merkel yêu cầu.

Theo ông Alden, trong thời gian ngắn ngủi sắp tới, hai nhà lãnh đạo mạnh nhất EU sẽ phải làm một việc khó khăn là tìm cách đưa Mỹ trở lại khuôn khổ của hệ thống thương mại toàn cầu, thậm chí cả khi ông Trump đã tỏ ý nhượng bộ như một phần của chiến lược “chia rẽ và đánh chiếm Châu Âu”. Nhưng đến cuối cùng, có lẽ bà Merkel và ông Macron có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo yêu cầu của ông Trump, nhà nghiên cứu này nhận định.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: