Hàng triệu công nhân giao thông, giáo viên, cảnh sát và các ngành nghề khác hôm thứ Năm (5/12) đã bắt đầu một cuộc tổng đình công phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron. Đây được xem là cuộc tổng đình công sẽ làm tê liệt nước Pháp lớn nhất trong nhiều năm qua.

Embed from Getty Images

Hệ thống tàu điện ngầm tại Paris tạm dừng hoạt động do công nhân đình công

Nước Pháp tê liệt thế nào?

Chính phủ Pháp đã tăng cường an ninh ở thủ đô Paris và các thành phố lớn khác trong bối cảnh lo ngại những người biểu tình cứng rắn có thể gây ra rắc rối.

Hàng loạt các dịch vụ công tại Pháp sẽ bị ảnh hưởng do cuộc tổng đình công này:

  • Xe buýt, tàu hỏa và các chuyến bay đã bị hủy và phần lớn hệ thống tàu điện ngầm tại Paris sẽ phải tạm dừng.
  • Các trường học đóng cửa khi hơn một nửa giáo viên tiểu học và trung học đình công.
  • Các phòng cấp cứu bệnh viện sẽ hoạt động trong điều kiện mỏng nhân sự vì y tá và bác sĩ đình công.
  • Các nghiệp đoàn đã lên kế hoạch tổ chức hai cuộc biểu tình lớn tại Paris, tập trung tại Cung điện Quốc gia (Place de la Nation).
  • Các cơ quan quản lý du lịch đã cảnh báo du khách hãy tránh xa Tháp Eiffel.

Truyền thông Pháp cho biết cuộc đình công này có thể kéo dài nhiều ngày và được so sánh với vụ xung đột giữa chính phủ và các nghiệp đoàn khiến nước Pháp đình trệ nhiều tuần vào năm 1995.

Kế hoạch cải cách gây tranh cãi của Tổng thống Macron

Tổng thống Macron có kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của Pháp. Ông gọi hệ thống hưu trí hiện tại là không công bằng và tốn kém. Tổng thống Pháp muốn giới thiệu hệ thống hưu trí mới để bảo vệ quyền bình đẳng cho tất cả mọi người nghỉ hưu.

Ông Macron cũng muốn thực hiện một hệ thống nghỉ hưu “phổ biến”, một trong những lời hứa chiến dịch chính của ông. 

Chính phủ lập luận rằng việc thống nhất hệ thống lương hưu, và loại bỏ 42 chế độ “đặc biệt” cho các ngành nghề từ công nhân đường sắt và năng lượng tới luật sư và nhân viên Nhà hát lớn Paris, là rất quan trọng để đảm bảo hệ thống này giữ được khả năng tài chính khi dân số Pháp già đi.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lao động cho rằng những cải cách đề xuất của chính quyền Macron sẽ dẫn tới việc hàng triệu lao động khu vực tư nhân phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật (62 tuổi) mới có thể nhận được lương hưu đầy đủ.

Cải cách lương hưu là bước đi mới nhất của ông Macron sau khi ông đã đại tu các quy tắc lao động và thay đổi hệ thống thất nghiệp, nhưng hưu trí luôn là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm ở Pháp.

Cuộc tổng đình công lần này diễn ra trước khi chính phủ công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí. Hiện tại kế hoạch này vẫn đang trong tiến trình tham vấn và quốc hội Pháp sẽ chưa thảo luận về nó cho tới năm 2020. 

Như Ngọc

Xem thêm: