Pháp đã phản ứng tức giận sau khi bị loại khỏi một thỏa thuận mới giữa Mỹ, Anh, và Úc với mục đích giúp quốc gia Nam Thái Bình Dương phát triển đội tàu ngầm chạy bằng công nghệ hạt nhân.

Embed from Getty Images

Theo Fox News, Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly của Pháp đã phát đi tuyên bố chung cho biết Paris thấy rằng việc thành lập liên minh an ninh mới Mỹ – Anh – Úc vừa được các bên loan báo hôm thứ Tư (15/9) “là đi ngược lại nghị định thư và tinh thần hợp tác đã có từ trước giữa Pháp và Úc. Sự hợp tác Pháp – Úc đã dựa trên mối quan hệ tin tưởng về chính trị, cũng như căn cứ vào sự phát triển của cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng ở mức độ rất cao tại Úc”.

Tuyên bố chung của hai quan chức Pháp nói thêm rằng: “Mỹ lựa chọn loại bỏ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi mối quan hệ đối tác mang tính cấu trúc với Úc vào thời điểm mà chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ tại khu vực Ấn độ – Thái Bình Dương đều cho thấy sự thiếu gắn kết dù xét về các giá trị chung chúng ta cùng chia sẻ hay xét về việc tôn trọng chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng pháp quyền. Pháp chỉ có thể ghi nhớ và tiếc nuối về điều này”.

Tuyên bố sau đó tiếp tục gọi quyết định công bố liên minh an ninh mới Mỹ – Anh – Úc vừa qua là “đáng tiếc”.

Quyết định đáng tiếc vừa được loan báo liên quan đến Chương trình Tàu ngầm Tương lai (FSP) sẽ chỉ củng cố thêm nhu cầu cần phải tranh luận một cách lớn tiếng và rõ ràng về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu. Không có cách thức đáng tin cậy nào khác để bảo vệ các lợi ích và giá trị chung của chúng ta trên thế giới, trong đó có khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, tuyên bố chung của hai quan chức Pháp nhấn mạnh.

Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng Pháp chính là “quốc gia châu Âu duy nhất hiện diện tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, khi có gần 2.000 công dân sinh sống và hơn 7.000 quân nhân đồn trú tại khu vực này”.

Trước đó, vào đầu ngày thứ Tư (15/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kết nối trực tuyến cùng nhau loan báo thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường Mỹ – Anh – Úc, gọi tắt là “AUKUS”. Liên minh mới này là cơ sở để Mỹ và Anh chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nhạy cảm cho Úc.

Dù Pháp không là một bên tham gia AUKUS, nhưng trong tuyên bố hôm 15/9, Tổng thống Biden cũng đã nhắc đến Pháp là quốc gia có “sự hiện diện đáng kể tại Ấn Độ – Thái Bình Dương” và là “đối tác và đồng minh quan trọng trong việc tăng cường an ninh và thịnh vượng khu vực”.

Mỹ mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Pháp và các quốc gia quan trọng khác khi chúng ta tiến lên”, ông Biden nói thêm.

Các nguyên thủ quốc gia Mỹ, Anh, Úc trong phát biểu loan báo về liên minh mới AUKUS đã không đề cập tới đối thủ Trung Quốc. Nhưng ngoại giới nhận định chế độ cộng sản Bắc Kinh đã trở thành mục tiêu chính của cơ chế hợp tác ba bên mới giữa Mỹ, Anh và Úc.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Biden cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ám chỉ về các hành động gây hấn quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và những nơi khác.

Về phía Trung Quốc, họ đã nhanh chóng lên tiếng phản ứng về việc Mỹ, Anh và Úc thành lập liên minh an ninh AUKUS.

Ngay sau khi ba nước phương Tây loan báo về AUKUS, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phát đi tuyên bố cho hay: “Những trao đổi và hợp tác giữa các nước nên giúp mở rộng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Các quốc gia nên làm nhiều việc hơn nữa có lợi cho sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước và góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Đồng thời, các nước không nên thiết lập các khối liên minh có tính phe phái nhắm mục tiêu hoặc gây tổn hại cho lợi ích của các bên thứ ba. Đặc biệt, các nước nên từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ”.

Đức Thiện (Theo Fox News)