Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm thứ Tư (6/11) đã thông báo rằng Pháp sẽ sớm lần đầu áp đặt hạn ngạch lao động nhập cư. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Macron đang thúc đẩy các chính sách thắt chặt nhập cư.

Embed from Getty Images

Trong cuộc họp báo hôm 6/11, Thủ tướng Philippe thông báo rằng kế hoạch áp đặt hạn ngạch lao động nhập cư sẽ giúp Pháp “tái kiểm soát” vấn đề dân số nhập cư ngày càng gia tăng.

Theo BBC, số người xin tị nạn tại Pháp trong năm 2018 đã tăng lên 22% với 122.743 người.

Tái kiểm soát có nghĩa là khi chúng ta nói có, nó thực sự nghĩa là có, và khi chúng ta nói không, nó thực sự nghĩa là không. Chúng tôi đã quyết nỗ lực mở ra tình huống mà chúng tôi nghĩ nó tốt cho nước Pháp, và cố gắng hạn chế những vi phạm không thể chấp nhận được,” Thủ tướng Philippe nói.

Ông Philippe đã không công khai thách thức các quy định tị nạn hiện hành của Liên minh Châu Âu (EU), dù ông đã nói rõ rằng nhập cư, cùng với môi trường, phải là ưu tiên đối với các thể chế EU và động lực chính cho các vấn đề này là “chủ quyền”.

Tái kiểm soát chính sách nhập cư của chúng tôi có nghĩa là chiến đấu chống lại những lạm dụng quyền tị nạn, chống lại di cư bất thường. Do đó, nước tôi sẽ đóng một phần vai trò để EU tái thiết,” ông Philippe nói thêm.

Việc Thủ tướng Pháp đề cập tới việc tái kiểm soát chính sách nhập cư là đồng điệu với thông điệp được các nhà vận động Brexit đưa ra trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về nước Anh rời EU.

Ông Philippe lý giải rằng chính phủ Pháp đã tìm được sư cân bằng giữa “quyền và nghĩa vụ” mà không nhượng bộ chủ nghĩa dân túy cực hữu.

Chính sách thắt chặt nhập cư mà Thủ tướng Pháp thông báo hôm 6/11 dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm tới. Theo đó, Pháp sẽ cấp thị thực cho lao động nhập cư theo nhu cầu của chủ sở hữu lao động và nhu cầu ngành nghề. Bên cạnh đó, Pháp cũng sẽ thực hiện một số biện pháp thắt chặt an sinh xã hội với người nhập cư như việc người tị nạn mới đến Pháp trong ba tháng đầu sẽ không được hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Lao động Pháp, bà Muriel Penicaud cho biết: “Đây là về việc Pháp thuê [lao động] dựa trên nhu cầu của mình. Điều này tương tự như những gì mà Canada và Úc đang thực hiện.

Chính sách kiểm soát nhập cư của chính phủ Macron – theo đường lối trung dung, gặp phải ý kiến trái chiều từ chính trong nội các và cả ở phe cánh hữu, cũng như cánh tả.

Phát biểu trên sóng truyền thanh quốc gia Pháp hôm 6/11, Bộ trưởng Tư pháp Nicole Belloubet cảnh báo rằng bà “chưa bao giờ coi hạn ngạch là câu trả lời [cho vấn đề nhập cư].

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Tập trung Quốc gia cánh hữu, bà Marine Le Pen đã gọi những nỗ lực của ông Macron về chính sách nhập cư thắt chặt hơn chỉ là “màn khói”, và cuối cùng nó sẽ dẫn tới nhập cư nhiều hơn.

Thư ký của đảng Xã hội Pháp Oliver Faure đã gọi quyết định của chính phủ Macron là “bê bối ở cấp độ nhân đạo”.

Trong khi đó, giáo sư chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, ông François Gemenne nói với tờ The Financial Times rằng Tổng thống Macron đã buộc phải vừa quan tâm tới phe cánh hữu, lại không thể phớt lờ nhu cầu của những cử tri ủng hộ ông.

Nếu một mặt họ muốn tăng nhập cư kinh tế, mặt khác họ cảm thấy buộc phải đưa ra một số nhượng bộ nhỏ với phe cực hữu. Thì nói chung, sẽ có nhiều lời nói suông và nhiều biện pháp nhỏ mà không tạo ra ảnh hưởng,” giáo sư François Gemenne nhận định.

Hệ thống hạn ngạch nhập cư sẽ hoạt động thế nào?

Hiện tại, những chủ lao động Pháp muốn thuê nhân công bên ngoài EU sẽ phải tuân thủ một hệ thống thủ tục rườm rà giải thích một công việc nào đó mà không kiếm đủ số lao động là công dân Pháp.

Với chính sách mới, chính phủ Pháp chỉ ra rằng họ sẽ áp dụng cách tiếp cận mới đối với việc thuê lao động nhập cư từ các nước ngoài EU, học theo cách làm của Úc và Canada. Úc sử dụng hệ thống tính điểm tập trung vào các đặc điểm và chuyên môn nghề nghiệp cá nhân. Canada cũng áp dụng hệ thống tương tự với việc hạn chế cấp thị thực cho người lao động chưa có thư mời làm việc của chủ lao động.

Bộ trưởng Lao động Pháp, bà Muriel Pénicaud hôm 5/11 nói rằng Pháp phải tuyển dụng lao động dựa theo nhu cầu và mức hạn ngạch sẽ được quyết định hàng năm với sự hỗ trợ của các chính phủ khu vực, các trung tâm việc làm và các đối tác xã hội.

Chúng tôi hoan nghênh [lao động nhập cư] ngay bây giờ, nhưng không nhất thiết trong các công việc bị kéo dài,” bà Muriel Pénicaud nói.

Hạn ngạch lao động nhập cư của Pháp sẽ không xét đến các nước cụ thể. Lao động nhập cư sẽ được cấp thị thực cho thời gian lao động và công việc cụ thể. Số lượng lao động nhập cư tại Pháp hiện nay đang được cấp thị thực là 33.000 người.

Như Ngọc

Xem thêm: