Ngày 7/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quân đội Nga đã chịu “tổn thất đáng kể” trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Embed from Getty Images

Ông Peskov, cũng là người phát ngôn chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với Sky News: “Chúng tôi có sự tổn thất đáng kể trong quân đội. Đó là một bi kịch lớn đối với chúng tôi.”

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24/2, Moscow đã công bố một số thông tin cập nhật liên quan đến thương vong của quân đội Nga hoặc các phương tiện bị tổn thất. Ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận 1.351 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 3.825 người đã bị thương tại quốc gia láng giềng.

Những ngày gần đây, Nga đã rời Kyiv và Chernihiv sau khi không chiếm được thủ đô.

Ông Peskov cho hay, động thái này “là một hành động thiện chí nhằm xoa dịu căng thẳng ở những khu vực đó, đồng thời cho thấy Nga thực sự sẵn sàng tạo điều kiện thoải mái để tiếp tục đàm phán”.

“Quân đội của chúng tôi đang cố gắng hết sức để chấm dứt chiến dịch quân sự,” ông Peskov nói thêm trong cuộc phỏng vấn với Sky News. “Và chúng tôi hy vọng trong những ngày tới, trong tương lai gần, chiến dịch này sẽ sớm đạt được mục tiêu hoặc sẽ kết thúc bằng cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine.”

Ông Peskov một lần nữa được hỏi về các hành vi tàn bạo được cho là đã xảy ra ở ở Bucha, ngoại ô thủ đô Kiev, vào tuần trước khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực này. Người phát ngôn khẳng định, những đoạn video quay cảnh người Ukraine ở Bucha bị trói tay sau lưng là một “vụ việc được dàn dựng sẵn, không gì hơn thế”. Ông nhấn mạnh, lực lượng Nga “không bao giờ tấn công các mục tiêu dân sự” kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu nổ ra.

Ngày 7/4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền sau khi có các báo cáo cáo buộc lực lượng vũ trang Nga đã phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine trong những ngày gần đây. 93 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, 24 nước bỏ phiếu phản đối, 58 nước bỏ phiếu trắng. Trung Quốc, Syria, Belarus và Iran nằm trong số 24 nước bỏ phiếu phản đối nghị quyết.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nêu rõ, Liên Hợp Quốc “đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng sự đau khổ của các nạn nhân thiệt mạng và những người sống sót sẽ không bị bỏ qua”.

“Chúng tôi đảm bảo, một kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và dai dẳng sẽ không được phép đảm nhiệm vị trí lãnh đạo về nhân quyền tại Liên Hợp Quốc.”

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Phó Đại sứ Liên Hợp Quốc của Nga Gennady Kuzmin đã mô tả động thái này là một “bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị” và thông báo Nga đã quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Nhật Minh (Theo ET, Reuters)