Ngay trong tuần đầu tiên của năm mới 2022, Triều Tiên đã lần đầu tiên khai hỏa. Nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin hôm 5/1, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo vào bờ biển phía Đông Hàn Quốc và Nhật Bản gây kinh động cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Động thái này cho thấy ông Kim Jong-un không quan tâm sớm tham gia lại đàm phán phi hạt nhân mà tập trung vào củng cố kho vũ khí.

Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un. (Ảnh: Alexander Khitrov/Shutterstock)

Thông tin về hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên này đã được phía Hàn Quốc và Nhật Bản xác nhận. Động thái của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ đang đi vào bế tắc, làm nổi bật xu thế của Kim Jong-un trong năm 2022 là tăng cường quân sự để đối phó với tình hình quốc tế bất ổn.

Phản ứng của các bên liên quan

“Mỹ lên án Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo”, trong một tuyên bố người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi một cuộc đối thoại mới với Bình Nhưỡng. Đáng chú ý, vụ phóng đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ lên tiếng rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo “làm nổi bật tác động gây bất ổn trong chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên”, dù không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ của Mỹ và đồng minh. Tuyên bố cũng cho biết Mỹ vẫn “kiên định” trong các cam kết quốc phòng với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) lại kêu gọi “tất cả các bên liên quan cần nhìn vào bối cảnh chung, thận trọng trong phát ngôn cùng hành động”.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc chỉ ra, từ tháng 12 đến tháng 3 là hoạt động huấn luyện mùa đông thường lệ của quân đội Triều Tiên, giới quan sát phỏng đoán việc phóng tên lửa có thể là một phần của hoạt động huấn luyện. Nhưng hãng truyền thông Nhật Bản NHK nhìn nhận, vụ phóng vào đầu năm mới dường như còn muốn thể hiện việc Triều Tiên sẽ tiếp tục các hoạt động phóng tên lửa, do tuần trước ông Kim Jong-un phát biểu tại Hội nghị của Đảng Lao động cam kết năm nay sẽ sản xuất hệ thống vũ khí tiên tiến hơn và nâng cao năng lực quân sự. Điều này khiến giới quan sát cho rằng, phát pháo đầu tiên của Triều Tiên thể hiện xu thế của quốc gia này trong năm nay.

Nỗ lực của Hàn Quốc và Mỹ chưa thể có kết quả

Reuters đưa tin, vài giờ sau vụ phóng của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tham gia lễ động thổ tuyến đường sắt mới tại thành phố ở bờ biển phía Đông Hàn Quốc giáp Triều Tiên. “Chúng ta không nên từ bỏ hy vọng đối thoại để có thể cơ bản khắc phục được thực trạng này, một ngày nào đó hòa bình sẽ đạt được nếu Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nỗ lực xây dựng lòng tin”, ông Moon Jae-in khẳng định.

Ông Moon Jae-in sẽ mãn nhiệm vào tháng 5 năm nay, trong bài phát biểu năm mới ông cho biết sẽ tiếp tục tìm cách khôi phục quan hệ với Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Gần đây ông đã thúc đẩy một tuyên bố mang tính biểu tượng của việc chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 để giảm bớt hận thù.

Các nỗ lực ngoại giao do Mỹ lãnh đạo nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân đã thất bại vào năm 2019, lý do vì không thể đạt được đồng thuận trong vấn đề trao đổi giữa giảm thiểu trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa của nước này.

Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha của Hàn Quốc nói với hãng tin AP: “Triều Tiên không bày tỏ thiện chí đàm phán phi hạt nhân hóa hay quan tâm đến việc tuyên bố kết thúc chiến tranh, thay vào đó họ gửi một tín hiệu rằng cho dù tác động của biến thể COVID-19 Omicron hay tình trạng thiếu lương thực cũng không ngăn cản được họ phát triển tên lửa tối tân.”

Truyền thông Nhật Bản dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho hay, có suy đoán tên lửa của Triều Tiên rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida đã tổ chức họp báo để bày tỏ sự phản đối Triều Tiên. Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Nhật Bản thông báo, trong ngày thứ Sáu (7/1) các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Mỹ sẽ tổ chức đàm phán 2 + 2.

Mặc dù nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm mọi hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, nhưng Hội đồng Bảo an thường không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các vụ phóng tên lửa tầm ngắn.

Diễn biến tình hình chung gần đây

Mùa thu năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử vũ khí, trong đó có vụ thử tên lửa siêu thanh đầu tiên vào tháng 9. Giới chuyên gia có quan điểm cho rằng đây là nỗ lực nhằm gây áp lực lớn hơn lên các đối thủ để buộc phải chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, từ đó hy vọng thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế. Ông Kim Dong-yub, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc (Chosun University) tại Seoul, cảnh báo xu thế đẩy mạnh quân sự của Triều Tiên.

Kể từ cuộc tập trận pháo kích vào đầu tháng 11 năm ngoái, Triều Tiên đã không thực hiện hoạt động thử nghiệm vũ khí cho đến khi phóng vào thứ Tư (5/1) vừa qua.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhiều lần tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên “mọi lúc mọi nơi” một cách vô điều kiện, điều này cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhắc lại trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (2/1). Nhưng Triều Tiên đã từ chối đề xuất này.

Trong một báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ kết luận, Triều Tiên “đang tiếp tục xây dựng khả năng tác chiến hạt nhân hướng tới mục đích có thể tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực”.

Theo hãng tin AP, trong 10 năm kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền, Triều Tiên đã tiến hành 62 đợt thử tên lửa đạn đạo, vượt xa con số 9 đợt và 22 đợt thử tên lửa đạn đạo được thực hiện dưới thời hai triều đại Kim Jong Il và Kim Il Sung. Trong số 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên thì có 4 vụ được tiến hành dưới thời Kim Jong-un, ngoài ra còn 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay, tên lửa được phóng ra biển từ trong đất liền Triều Tiên hướng qua bờ biển phía Đông. Các thành viên trong Ban An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ quan ngại về vụ phóng, nói rằng việc nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên là quan trọng để giải quyết căng thẳng.

Tiêu Nhiên

Xem thêm: