Hôm thứ Năm (26/1) nhóm Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ gồm Tom Cotton, Ted Budd, Rick Scott và J.D. Vance đã giới thiệu “Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc” (China Trade Relations Act) để tiến tới chấm dứt tình trạng Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (MFN) của Mỹ đối với Trung Quốc.

tom cotton noi ve virus corona vu han
Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton. (Ảnh chụp màn hình video)

Năm 2000, dưới sự thúc đẩy của Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton và được Quốc hội Mỹ thông qua, Trung Quốc đã được Mỹ công nhận “Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR). Năm 2001, với sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Bush, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Do chấp thuận thương mại tự do của Mỹ với Trung Quốc, tính từ  năm 2001 – 2018, nền kinh tế Mỹ đã tổn thất gần 4 triệu việc làm, bao gồm gần 3 triệu việc làm sản xuất trong nước, do các công việc được các tập đoàn đa quốc gia dễ dàng chuyển ra nước ngoài mà Chính phủ Mỹ không thể có quyền kiểm soát xen vào.

Trong cùng thời gian, ít nhất 50.000 nhà máy sản xuất của Mỹ đã đóng cửa.

Dự luật “Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc” của Thượng nghị sĩ Cotton bang Arkansas sẽ chấm dứt tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Mỹ đối với Trung Quốc được đưa ra từ thời Tổng thống Mỹ Clinton.

Theo yêu cầu của Tu chính án Jackson-Vanik, luật này sẽ yêu cầu hàng năm Tổng thống Mỹ đều phải phê chuẩn trong vấn đề xác định liệu có thể cho Trung Quốc Quy chế tối huệ quốc (MFN) không. Luật cũng bao gồm xác định vấn đề hồ sơ nhân quyền và lạm dụng thương mại như là những yếu tố có thể dẫn đến việc không phê chuẩn quy chế tối huệ quốc của Mỹ cho Trung Quốc.

“Trong hai thập kỷ qua Trung Quốc Cộng sản đã được hưởng quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn, làm trầm trọng thêm tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ. Ngay từ đầu Trung Quốc đã không xứng đáng được hưởng đặc quyền này, và Trung Quốc ngày nay chắc chắn cũng vậy. Đã đến lúc bảo vệ việc làm của người Mỹ, phải buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chịu trách nhiệm về các trại lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền trắng trợn”, theo nghị sĩ Cotton. “ĐCSTQ chỉ quan tâm đến một điều: hạ bệ Mỹ. Không có lý do gì để Mỹ sử dụng ưu đãi và ‘đối xử tối huệ quốc’ để giúp đỡ các hoạt động thương mại của chính phủ ĐCSTQ”, Thượng nghị sĩ Scott từ Florida cho biết, “Bây giờ là lúc đặt lợi ích của Mỹ (thay vì ĐCSTQ) lên hàng đầu và lật ngược luật lỗi thời trước đây”.

“ĐCSTQ không phải là bạn của Mỹ, cũng không phải là một lực lượng tốt trên thế giới. Từ vi phạm nhân quyền đến đánh cắp việc làm và tài sản trí tuệ của Mỹ, ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm. Cách hiệu quả nhất để chống lại ĐCSTQ là ban hành dự luật của Nghị sĩ Thượng viện Cotton nhằm chấm dứt tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Budd của North Carolina cũng cho biết.

“Ở Ohio, kể từ hai thập niên trước khi Quốc hội Mỹ mắc sai lầm trầm trọng cho ĐCSTQ các đặc quyền thương mại đặc biệt, chúng tôi đã mất hơn 130.000 việc làm. Tôi đã tận mắt chứng kiến ​​tác động nghiêm trọng của tình trạng mất việc làm này và tôi biết rằng đáng lý chúng ta cần hành động sớm hơn để xoay chuyển tình hình đó. Đạo luật này là một bước tiến mạnh mẽ để bảo vệ việc làm của người Mỹ và khôi phục năng lực sản xuất trong nước của chúng ta”, Thượng nghị sĩ mới được bầu từ Ohio vào tháng 11/2022 cũng cùng quan điểm.

Bối cảnh

Ngày 15/11/1999, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được hiệp định thương mại song phương về việc Trung Quốc gia nhập WTO, theo đó điều kiện tiên quyết là ĐCSTQ mở cửa rộng rãi một loạt thị trường trong nước Trung Quốc như nông nghiệp và viễn thông. Để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận suôn sẻ, Quốc hội Mỹ phải trao cho Trung Quốc “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn”. Vì (Hiệp định thuế quan và thương mại – GATT) quy định “các thành viên dành cho nhau sự đối xử tối huệ quốc vô điều kiện, nếu không thì các quyền và nghĩa vụ liên quan không được áp dụng đối với nhau”.

Ngày 8/3/2000, chính quyền Mỹ thời Tổng thống Clinton đã đề xuất với Quốc hội “Đạo luật Quan hệ Mỹ-Trung Quốc năm 2000” (U.S.–China Relations Act of 2000), cho phép Trung Quốc có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.

Ngày 25/3/2000, Hạ viện Mỹ sau hơn 7 tiếng tranh luận đã thông qua Quy chế PNTR đối với Trung Quốc với số phiếu từ 237 thuận đối với 197, ngày 19/9 dự luật đã được Thượng viện thông qua với số phiếu 83 thuận đối với 15, ngày 10/10 Tổng thống Clinton đã ký để Quy chế PNTR có hiệu lực.

Theo luật này, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO thì Mỹ sẽ chấm dứt việc xem xét hàng năm đối xử tối huệ quốc của Trung Quốc theo các điều khoản liên quan của “Đạo luật Thương mại năm 1974”, qua đó thiết lập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc.

Trao cho Trung Quốc quy chế thương mại này đã góp phần gây ra “cú sốc thương mại Trung Quốc” làm nước Mỹ sau năm 2001 thất thoát 2 triệu cơ hội việc làm, vấn đề cũng dẫn đến sự gia tăng đầu tư kinh doanh ở Trung Quốc làm ĐCSTQ không ngừng trở nên hùng mạnh và nguy hiểm hơn.

Về Đạo luật quan hệ thương mại Trung Quốc

Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc sẽ loại bỏ Quy chế MFN vĩnh viễn của Trung Quốc và khôi phục nó về tình trạng trước năm 2001, theo đó Quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Mỹ đối với Trung Quốc phải được gia hạn hàng năm theo quyết định của tổng thống. Tuy nhiên theo dự luật, Quốc hội Mỹ cũng được trao quyền thông qua một nghị quyết chung về việc không tán thành để bác bỏ quyết định của tổng thống trong vấn đề gia hạn tình trạng MFN.

Dự luật cũng sẽ mở rộng danh sách các vi phạm nhân quyền và thương mại trong Tu chính án Jackson-Warnicke, theo đó nếu không có sự miễn trừ của tổng thống thì các hành vi lạm dụng như sau sẽ khiến Trung Quốc không đủ điều kiện hưởng Quy chế MFN:

  • Sử dụng hoặc cung cấp việc sử dụng lao động nô lệ;
  • Điều hành các “trung tâm giáo dục và dạy nghề” hoặc các trại tập trung khác theo cách cưỡng ép người tham gia;
  • Thực hiện hoặc ra lệnh cưỡng bức phá thai hoặc triệt sản;
  • Mổ lấy nội tạng của tù nhân mà không có sự đồng ý của họ;
  • Cản trở tự do tôn giáo;
  • Đe dọa hoặc quấy rối công dân Trung Quốc cư trú bên ngoài Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; hoặc
  • Tham gia vào hoạt động gián điệp kinh tế có hệ thống chống lại Mỹ, bao gồm cả việc đánh cắp tài sản trí tuệ của người Mỹ.

Anh Nhược, Epoch Times