Các nhà chức trách Philippines hôm thứ Sáu (31/5) đã bắt đầu vận chuyển hàng chục container rác tới Canada sau khi hai nước leo thang căng thẳng ngoại giao về vấn đề Ottawa xuất khẩu rác trái phép sang Manila, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Hôm 30/5/2019, Tàu MV Bavaria tại cảng Subic, tây bắc thủ đô Manila đang chất hàng chục container rác để chuyển trả cho Canada. (Ảnh: by Jes Aznar/Getty Images)

Reuters cho biết 69 container chứa đầy rác đã được chất lên một chiếc tàu thủy neo đậu tại cảng Subic, tây bắc thủ đô Manila và đã rời cảng này vào thứ Sáu (31/5) bắt đầu hành trình kéo dài khoảng 1 tháng tới thành phố Vancouver, Canada.

Một tòa án Philippines năm 2016 đã tuyên bố việc nhập khẩu 2.400 tấn rác của Canada là bất hợp pháp. Số rác này bị gắn sai nhãn là rác nhựa có thể tái chế.

Canada cho biết số rác xuất khẩu sang Philippines trong năm 2013 và 2014 này là giao dịch thương mại tư nhân, được thực hiện mà không có sự đồng ý của chính phủ Canada.

Trong một tuyên bố qua email, phát ngôn viên bộ môi trường và biến đổi khí hậu Canada Mark Johnson cho hay: “Chính phủ Canada đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo vận chuyển an toàn và thân thiện môi trường, xử lý số lượng rác này tại Canada.”

Philippines trước đó đã cáo buộc Canada đình trệ việc nhận lại rác. Tổng thống Philippines Duterte, một người vốn nổi tiếng nóng tính, thất thường và có xu hướng chống phương Tây, đã đe dọa tuyên bố chiến tranh với Canada, đổ rác trước sứ quán Canada tại Manila hoặc dùng tàu hàng tư nhân chở rác và đổ vào vùng biển thuộc lãnh hải Canada.

Phát ngôn viên của ông Duterte, ông Salvador Panelo mới đây nói rằng ông hy vọng mối quan hệ với Canada bây giờ sẽ trở lại bình thường.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã nói rằng những nhà ngoại giao mà trước đây được lệnh rời Canada để phản đối, bây giờ đã được yêu cầu quay trở lại. Ông Locsin đăng một bức ảnh lên Twitter mô tả tàu chở rác rời cảng Subic hôm thứ Sáu (31/5), kèm theo thông điệp “Tạm biệt”.

Các nhà hoạt động môi trường đã tập trung tại cảng Subic khi các nhà chức trách chuẩn bị các container rác. Họ cầm các băng-rôn ghi “không bao giờ lặp lại” và “chúng tôi không phải là bãi rác của thế giới”.

Các nhà hoạt động cũng làm mô hình container bằng thùng các-tông, trên đó ghi các câu như “thoát nạn hoàn hảo” và “Canada hãy nhận lại rác”.

Giám đốc tổ chức Greenpeace Philippines Lea Guerero nói với báo giới rằng: “Buôn bán rác là thực tế rất không thể chấp nhận. Đó là là thực thế đáng trách.”

Philippines là quốc gia Đông Nam Á mới nhất gặp vấn đề với các nước phát triển khi các nước này đang sử dụng khu vực Đông Nam Á làm nơi đổ rác sau khi Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa.

Malaysia – đích đến chính của rác thải nhựa thế giới sau Trung Quốc – hôm thứ Ba (28/5) đã nói rằng họ sẽ chuyển trả khoảng 3.300 tấn rác trở lại các nước xuất xứ.

Theo AP, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yon hôm 28/5 đã nói với báo giới bên ngoài Cảng Klang, Kuala Lampur rằng trong vòng hai tuần tới Malaysia dự kiến sẽ chuyển trả 10 container rác thải nhựa trở lại nhiều nước mà năm ngoái đã tuồn lậu số rác này tới các cơ sở chế biến rác bất hợp pháp tại Maylaysia sau khi Trung Quốc ban hành luật cấm nhập khẩu rác thải nhựa.

Ông Yeo cho biết Malaysia dự kiến sẽ chuyển trả tổng cộng 60 container rác về các nước xuất xứ.

Một số loại rác thải trong những container tuồn vào Malaysia bất hợp pháp là vỏ dây cáp từ Anh Quốc, hộp sữa bẩn từ Úc và đĩa compact từ Bangladesh, cũng như các kiện rác thải điện tử và rác đồ gia dụng từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ả Rập Saudi và Trung Quốc.

“Đây có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì lệnh cấm rác thải nhựa của Trung Quốc. Malaysia sẽ không trở thành bãi rác cho thế giới… chúng tôi sẽ phản kháng. Cho dù chúng tôi là một nước nhỏ, nhưng chúng tôi không thể để các nước phát triển bắt nạt,” AP dẫn lời Bộ trưởng Yeo Bee Yon.

Cùng với Malaysia và Philippines, Việt Nam cũng là nước đón nhận nhiều rác thải từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc ban hành cấm nhập khẩu rác.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ tổ chức Greenpeace Đông Á cho biết đỉnh điểm nhập khẩu rác của Việt Nam rơi vào tháng 11/2017, với hơn 100.000 tấn rác mỗi tháng nhưng đã giảm xuống khoảng 16.000 tấn/tháng vào cuối năm ngoái.

Tính đến tháng 12/2018, rác nhập vào Việt Nam vẫn đến từ Nhật Bản, kế đến là Mỹ, Đức, Anh và Hàn Quốc.

Tổ chức Greenpeace Đông Á ghi nhận các biện pháp cấm nhập khẩu rác tạm thời của Việt Nam đã góp phần vào việc giảm số lượng nhập khẩu rác kể từ cuối năm ngoái.

Xuân Thành (T/h)