Chuyến thăm Philippines hai ngày 20 và 21/11 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc với việc hai bên ký kết hàng chục giao dịch thương mại và thỏa thuận kinh tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là lãnh đạo hai nước đã ký bản ghi nhớ về khai thác chung Biển Đông. Tổng thống Rodrigo Duterte cho thấy ông tiếp tục xoay trục gần gũi hơn nữa với Trung Quốc bất chấp sự phản đối của phe đối lập và người dân Philippines.

Embed from Getty Images

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20/11.

Theo Reuters, trong ngày 20/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một bản ghi nhớ về phát triển chung dầu và khí đốt tại các vùng biển trong đó có cả lãnh hải tranh chấp tại Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philppines).

Theo Reuters, trong khu vực khai thác chung Trung Quốc – Philippines mà hai nhà lãnh đạo vừa đạt được thỏa thuận gồm cả bãi đá ngầm Cỏ Rong (tên tiếng Anh là Reed Bank), nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, cách Đảo Palawan của Philippines khoảng 145km. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết công nhận Philippines có chủ quyền khai thác trữ lượng năng lượng tại bãi đá ngầm Cỏ Rong.

Các nghị sĩ đối lập đã yêu cầu Tổng thống Duterte phải công khai chi tiết hơn về các kế hoạch khai thác chung vùng biển với Trung Quốc, cảnh báo rằng thỏa thuận này có thể xác nhận chủ quyền của Trung Quốc tại một khu vực lãnh hải mà cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Theo Reuters, trong ngày 20/11, phe thiểu số trong quốc hội Philippines đã ban hành nghị quyết tuyên bố rằng: “Việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc sẽ khiến Philippines công nhận ‘đồng sở hữu’ bất hợp pháp với Trung Quốc”.

Các nghị sĩ cũng khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào của chính quyền Duterte với chế độ Trung Quốc sẽ là vi phạm hiến pháp Philippines và là hành vi phạm tội có thể bị luận tội.

Người dân Philipines cũng bày tỏ thái độ phản đối chính quyền Duterte hợp tác sâu rộng với Trung Quốc bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình trong hai ngày ông Tập Cận Bình tới Manila.

Reuters dẫn thông tin từ các kênh truyền thông địa phương như The Philippine Star và Rappler cho biết người dân Philippines tổ chức biểu tình gần Đại sứ Quán Trung Quốc tại thủ đô Manila, lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati và tại các trường đại học.

Người biểu tình mang theo các tấm biển ghi, “Nói không với bẫy nợ của Trung Quốc”, Philippines không phải để bán” và “Trung Quốc, hãy cút đi!”.

Ông Conchita Calzado, một cư dân sống gần Đập Kaliwa do Trung Quốc đầu tư tiền chuẩn bị xây dựng, nói với Reuters: “những con đập này không giúp ích cho chúng tôi, vì chúng tôi tin rằng đây chỉ là cho vay và sẽ không chỉ người dân ở đây phải gánh nợ mà tất cả mọi người [Philippines]”. Theo mạng truyền thông GMA của Philippines, Đập Kaliwa ước tính chi phí xây dựng gần 18,72 tỷ pesos (khoảng 358,7 triệu USD).

Trả lời phỏng vấn Đài Quốc tế Pháp (RFI) hôm 20/11, một người biểu tình có tên Marianne Dardard nói: “Các thỏa thuận giữa hai nước chúng tôi là không công bằng. Đầu tư của Trung Quốc thuần túy vì lợi ích của riêng họ. Nếu thỏa thuận không có lợi cho Trung Quốc, họ sẽ thất hứa”.

Mặc dù Philippines và Trung Quốc có tranh chấp lãnh hải, nhưng Bắc Kinh vẫn thu hút được chính quyền Duterte bằng các khoản đầu tư kinh tế lớn vào quốc gia Đông Nam Á này. Theo Reuters, khoảng một nửa trong số 75 dự án cơ sở hạ tầng – một phần trong chương trình kinh tế mang dấu ấn của Tổng thống Duterte là vay vốn của Trung Quốc hoặc do chế độ Bắc Kinh đầu tư. Phần lớn các dự án này chưa khởi công xây dựng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Philippines cũng đang gia tăng đáng kể, lên 181 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay so với chỉ 28,8 triệu USD cho cả năm 2017.

Bất chấp chính quyền Duterte hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, người dân Philippines đa phần phản đối việc xoay trục hướng về Bắc Kinh. Tờ The Star của Malaysia mới đây công bố một cuộc khảo sát xã hội cho thấy phần lớn người dân Philippines nói rằng họ “kém” tin tưởng vào Trung Quốc, nhưng “rất tin” vào Mỹ.

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục bành trướng và quân sự hóa Biển Đông bất chấp sự phản đối của những nước liên quan và cộng động quốc tế.

Trong ngày 20/11 khi Trung Quốc và Philippines ký thỏa thuận khai thác chung Biển Đông, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế – một nhóm tư vấn của Mỹ đã công bố các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt một nền tảng mới trên bãi đá Bông Bay – một đảo san hô trong chuỗi đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông mà chế độ Bắc Kinh chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1974.

Các hình ảnh của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho thấy nền tàng mới mà Trung Quốc lắp đặt là các tấm pin năng lượng mặt trời và một mái vòm thường để bảo vệ ăng-ten radar. Nhóm tư vấn của Mỹ cho biết mục đích của các thiết bị này là không rõ ràng, nhưng nó hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Yên Sơn

Xem thêm: