Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm thứ Năm (13/6) cho biết ông đã gửi thư phản đối ngoại giao tới Trung Quốc sau khi một tàu Philippines đang neo đậu tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông nghi bị một tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi 22 ngư dân.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. 

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nói với hãng tin AP rằng ông đã gửi thư phản đối ngoại giao tới Trung Quốc hôm thứ Tư (12/6). Ông Teodoro Locsin Jr. tiết lộ động thái này trong một tweet phản ứng lại việc Thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes IV thông tin Tổ chức Hàng hải Quốc tế – một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đang tiến hành điều tra độc lập vụ chìm tàu.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte hãy triệu hồi Đại sứ và Lãnh sự Philippines tại Trung Quốc về nước để gây áp lực buộc Bắc Kinh phải xác định và trừng phạt thủy thủ đoàn người Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới vụ đâm chìm tàu Philippines.

Theo AP, Trung Quốc đã lên án vụ tàu chìm và bỏ rơi ngư dân, nhưng không chính thức thừa nhận hay phủ nhận có sự liên quan của một tàu Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm thứ Tư (12/6) đã thông tin rằng tàu F/B Gimver 1 chở 22 ngư dân Philipppines đã bị chìm vào tối Chủ Nhật 9/6 (giờ địa phương) sau khi nghi bị một tàu Trung Quốc đâm tại Bãi Cỏ Rong, ngoài khơi phía tây tỉnh Palawan, Philippines.

Bộ trưởng Lorenzana lên án mạnh mẽ thủy thủ đoàn va chạm với tàu cá Philippines mà ngư dân xác định đó là những người Trung Quốc, đã bỏ rơi ngư dân trong khi tàu của họ đang bị chìm. Ông Lorenzana đã gửi lời cảm ơn ngư dân Việt Nam đã cứu ngư dân Philippines và đưa họ tới nơi an toàn.

Khi tàu bị chìm, các ngư dân Philippines đã cố gắng lên những chiếc tàu nhỏ hơn và cuối cùng đã được một tàu cá Việt Nam giải cứu, sau đó ngư dân gặp nạn được chuyển sang tàu hải quân Philippines an toàn, ông Lorenzana nói.

Trả lời câu hỏi của AP hôm 13/6 về việc liệu ông có đề xuất bất kỳ hành động nào để phản đối Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana trả lời: “Một sự phản đối ngoại giao mạnh mẽ đang được tiến hành theo trình tự”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo cho biết việc bỏ rơi ngư dân khi tàu của họ bị chìm là “không văn minh, đó là hành vi tàn nhẫn”.

Ông Panelo cũng kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc phải điều tra và trừng phạt những thủy thủ đoàn Trung Quốc liên quan tới vụ chìm tàu Philippines.

Trả lời báo giới tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng vụ va chạm “nên bị lên án” dù tàu đó đến từ đâu.

Dẫn theo thông tin do phía Philippines cung cấp, ông Cảnh mô tả vụ chìm tài là “tai nạn giao thông hàng hải bình thường” và chỉ trích các giả thiết đã được đưa ra về vụ việc đó. “Thật vô trách nhiệm khi sử dụng truyền thông để thổi phồng và chính trị hóa vụ tại nạn mà không có sự kiểm chứng,” ông Cảnh nói và thêm rằng Trung Quốc đang phối hợp với giới chức Philippines tiến hành điều tra vụ việc.

Cảnh sát biển Philippines nói với AP rằng họ đang kiểm tra xem liệu những ngư dân nước ngoài liên quan tới vụ đâm chìm tàu là người Trung Quốc hay từ các nước láng giếng khác và cũng cần xác định xem vụ va chạm có phải cố ý hay không.

Giới chức Philippines cho biết Bãi Cỏ Rong nơi xảy ra vụ chìm tàu hôm 9/6 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nơi quốc gia này có toàn quyền khai thác thủy sản, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dưới đáy biển và các nguồn tài nguyên khác.

Vụ chìm tàu hôm 9/6 không phải là lần đầu tiên các tàu Philippines và Trung Quốc va chạm tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Trong những năm qua, các tàu Trung Quốc đã chặn hoặc đe dọa các tàu cá và cả tàu quân sự Philippines hoạt động ở Bãi Cỏ Rong và Bãi cạn Thomas II ở gần đó.

Như Ngọc