Hôm Chủ Nhật (11/4) người đứng đầu quân đội Philippines cho biết binh sĩ Philippines và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài hai tuần bắt đầu từ thứ Hai (12/4), tiếp nối lại sự kiện huấn luyện quân sự hàng năm sau khi bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch virus corona.

Embed from Getty Images

Thông báo được đưa ra sau khi bộ trưởng quốc phòng của hai nước có cuộc điện đàm thảo luận về các cuộc tập trận, tình hình tại Biển Đông, và những diễn biến an ninh trong khu vực gần đây.

Tuy nhiên, không giống như các cuộc tập trận trước đây, cuộc tập trận “Balikatan” (vai kề vai) năm nay nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng ứng phó của quân đội hai nước trước các mối đe dọa như thiên tai và các cuộc tấn công của phiến quân cực đoan, sẽ được thu nhỏ lại.

Trung tướng Cirilito Sobejana của quân đội Philippines cho biết chỉ có 1.700 binh sĩ bao gồm 700 binh sĩ từ Mỹ và 1.000 binh sĩ của Philippines tham gia cuộc tập trận này, không giống như các cuộc tập trận trước đây có tới tổng cộng 7.600 binh sĩ của hai nước tham gia.

Ông nói: “Sẽ có đối kháng trực tiếp nhưng ở mức tối thiểu.

Philippines đã phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của mình tại Rặng san hô Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) trên tuyến đường biển chiến lược tại Biển Đông. Philippines đang liên tục yêu cầu Trung Quốc đưa các tàu của nước này ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu đánh cá này chỉ đang trú ẩn do biển động và không có lực lượng dân quân nào trên tàu.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Philippines, trong cuộc đàm hôm Chủ Nhật (11/4) giữa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ông Austin cũng nhắc lại tầm quan trọng của Thỏa thuận các Lực lượng Thăm viếng (VFA) giữa hai nước.

Ông Lorenzana cam kết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Năm ngoái ông Duterte đã đơn phương hủy bỏ thỏa thuận VFA vốn đã kéo dài hai thập kỷ trong một phản ứng giận dữ sau khi một đồng minh của ông bị Mỹ từ chối cấp thị thực. Thỏa thuận này cung cấp khuôn khổ pháp lý cho phép quân đội Mỹ có thể hoạt động luân phiên tại Philippines.

Tuy nhiên, thời gian philippines chính thức rút khỏi VFA đã được gia hạn hai lần, điều đó khiến các quan chức philippines nói rằng đó là cửa số cơ hội để thỏa thuận lại các điều khoản tốt hơn cho nước họ trong VFA.

Mối quan hệ giữa Washington và cựu thuộc địa ở châu Á của mình đã trở nên phức tạp kể từ năm 2016 khi ông Duterte – người luôn chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ trong khi muốn kết thân với Trung Quốc – lên nắm quyền lãnh đạo Philippines.

Ông Duterte cho biết Washington phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn duy trì VFA.

Ông Lorenzana cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của ông Austin trong việc đẩy nhanh việc giao các liều vắc-xin COVID-19 do công ty công nghệ sinh học và dược phẩm Moderna của Mỹ phát triển mà Philippines đã đặt hàng.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Philippines cho biết ông Austin “sẽ xem xét vấn đề này và chuyển nó đến bộ phận có liên quan để xem xét giải quyết.

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: