Chính phủ Philippines đã đưa ra công hàm phản đối ngoại giao trước hành động gây rối thường xuyên của tàu Trung Quốc đối với các tàu của họ đang tuần tra trên Biển Đông.

Embed from Getty Images

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) khẳng định, họ phản đối việc tàu chính phủ Trung Quốc đã phát tín hiệu thách thức bằng vô tuyến, phát còi cảnh báo hơn 200 lần đối với lực lượng chức năng Philippines đang tuần tra tại Biển Đông.

Những hành động khiêu khích này, theo Bộ Ngoại giao tuyên bố vào ngày 20/10, được tiến hành nhằm vào các nhà chức trách Philippines, những người đang tuần tra định kỳ trong khu vực.

Xung đột ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều năm giữa Manila và Bắc Kinh, cùng với các nước láng giềng khác cùng có tuyên bố chủ quyền với các vùng lãnh thổ và vùng biển. Bộ Ngoại giao Philippines nhìn nhận, các cuộc tuần tra của họ là “hợp pháp, phù hợp với thông lệ”, trong khi hành động của Bắc Kinh đe dọa phá hoại trật tự hiện có trong khu vực.

Dựa trên cái gọi là “Đường chín đoạn” (Đường lưỡi bò) của Trung Quốc, chế độ cộng sản tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Đông rộng lớn, bao gồm cả nhiều hòn đảo. Điều đáng nói là hầu hết các quốc gia có chung đường bờ biển xung quanh, bao gồm Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam và Đài Loan đều tranh chấp lãnh thổ tại đây.

Bảng theo dõi của tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Hoa Kỳ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, Philippines đã tăng tần suất tuần tra hàng hải ở Biển Đông trong những tháng gần đây. Nhưng cũng có một số lượng lớn hơn đáng kể các tàu Trung Quốc xuất hiện và di chuyển trong khu vực.

Bên cạnh vụ việc mới nhất này, đã có 78 công hàm phản đối ngoại giao được đưa ra dưới thời chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte tính đến tháng 4/2021. Các vấn đề chủ yếu được nêu ra đều xuất phát từ hành vi vi phạm ở Biển Tây Philippines, là tên chính thức mà chính phủ Philippines đặt cho các vùng phía Đông của Biển Đông, thuộc vùng kinh tế của đất nước này.

Ông Duterte đã bị các nhà phê bình chỉ trích vì không kiên quyết chống lại Trung Quốc, thậm chí ủng hộ mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh.

Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr. đã yêu cầu DFA phát đi các công hàm phản đối ngoại giao trước “các thách thức qua vô tuyến bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các cuộc tuần tra hàng hải của Philippines”, “Trung Quốc liên tục ngăn chặn ngư dân Philippines tiến hành các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp ở Bajo de Masinloc”, và “sự hiện diện liên tục của các tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng lân cận Iroquois Reef”.

Hồi tháng 3, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) báo cáo, hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu khu vực lân cận Bãi đá ngầm Whitsun, một trong những bãi đá ngầm, đảo và đảo san hô đang tranh chấp  gay gắt ở biển Đông. Điều này khiến DFA phải phát đi các phản đối ngoại giao hàng ngày, cho đến khi các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực này.

Chế độ Trung Quốc vô cùng tích cực trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông bất chấp phán quyết quốc tế năm 2016. Thời điểm đó, Tòa án Trọng tài Thường trực của La Hay đã bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc đối với khoảng 85% diện tích 2,2 triệu dặm vuông của Biển Đông. Phán quyết tuyên bố, yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ban hội thẩm đã xác nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và kết luận rằng các hoạt động của Bắc Kinh như “đánh bắt bất hợp pháp và xây dựng đảo nhân tạo hủy hoại môi trường, đã vi phạm quyền chủ quyền của Manila”.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: