Thành phố Hồi giáo Marawi với 200.000 dân, nằm ở miền nam Phillipines đã bị một nhóm phiến quân hồi giáo trung thành với IS chiếm đóng từ thứ Ba (23/5). Tổng thống Duterte đã quyết định dùng không kích để dẹp loạn và ban bố tình trạng thiết quân luật toàn miền nam trong ít nhất 60 ngày, thậm chí có thể là 1 năm nếu cần.

Theo hãng tin AP (Mỹ), hôm thứ Bảy (27/5), phi cơ chiến đấu của chính phủ Philippines đã bắn rocket nhắm vào các chiến binh cực đoan để hy vọng sớm tiêu diệt các phần tử hồi giáo ly khai này. Một số người dân còn trụ lại trong làng đã phải treo cờ trắng để tránh bị không kích nhầm.

Thành phố Marawi bị phiến quân Abu Sayyaf tấn công và chiếm đóng từ hôm thứ Ba (23/5). Nơi đây được được nghi ngờ là khu vực trú ẩn của Isnilon Hapilon – một trong những kẻ khủng bố bị Washington xếp vào danh sách cực kỳ nguy hiểm. Hoa Kỳ đã treo thưởng 5 triệu USD cho nguồn tin dẫn tới việc bắt giữ được Hapilon.

Tổng tư lệnh quân đội Philippines, Đại Tướng Eduardo Ano nói rằng sau khi bị thương trong một đợt không kích hồi tháng 1, Hapilon vẫn đang trốn trong thành phố Marawi dưới sự bảo vệ của các tay súng. Cũng theo ông Ano, khả năng Haplion còn bị đột quỵ nhẹ.

Hapilon là một trong những chỉ huy cao cấp nhất của nhóm phiến quân Abu Sayyaf, nổi tiếng về những vụ bắt cóc tống tiền, chặt đầu con tin và đánh bom. Tên này thề trung thành với nhóm Hồi giáo cực đoan IS từ năm 2014. Hapilon cũng đứng đầu liên minh của ít nhất 10 nhóm chiến binh nhỏ hơn, trong đó có Maute – nhóm hiện đang có mặt tại Marawi để chiến đấu chống quân chính phủ.

AP cho biết các chiến binh của nhóm Maute đã chiếm được một phần thành phố Marawi, đốt các tòa nhà công, chiếm giữ nhà dân và bắt giữ hàng chục con tin, trong đó có một linh mục Cơ đốc giáo. Hiện vẫn chưa biết tình trạng sức khỏe của các con tin ra sao.

AP, dẫn lời các quan chức Philippines, cho biết tính đến nay cuộc xung đột đã làm 48 người thiệt mạng (35 phiến quân và 11 lính chính phủ), nhưng chưa xác định được số thương vong của thường dân.

Giới chức Philippines cho biết 90% người dân Marawi đã di tản để chạy trốn cuộc chiến, nhưng còn khá nhiều người vẫn bị mắc kẹt hoặc không muốn rời đi. Điều này làm chậm lại nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà Tổng thống Duterte phải đối mặt kể từ khi ông cầm quyền gần một năm trước.

Trong một tuyên bố gần đây, một đại diện từ phía quân đội chính phủ cho hay: “Chúng tôi muốn tránh gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, nên phiến quân tìm cách lẩn trốn trong các nhà dân, tòa nhà chính quyền hoặc các cơ sở khác”.

Tuyên bố trên cũng thêm rằng: “Họ không chịu đầu hàng và cố thủ trong thành phố. Do đó, đã đến lúc phải sử dụng các cuộc không kích để giải phóng thành phố và nhanh chóng kết thúc cuộc nổi dậy này”.

Tổng thống Duterte buộc phải ban bố tình trạng thiết quân luật 60 ngày trên toàn miền nam Philippines. Khu vực này đã diễn ra các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ly khai nhiều thập kỷ qua và bạo lực gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng chủ nghĩa cực đoan có thể tăng lên khi các nhóm chiến binh nhỏ hơn thống nhất lại và liên kết với IS.

Trao đổi với binh lính tại Iligan, thành phố gần Marawi, Tổng thống Duterte nói rằng ông lo ngại rằng “sự ảnh hưởng từ IS” sẽ gây nguy đến tương lai đất nước.  Ông nói: “Các bạn có thể nói rằng IS đã ở đây rồi”.

Bộ trưởng Quốc phòng  Philippines, ông Delfin Lorenzana hôm thứ Sáu (27/5) đã nói với các phóng viên rằng nhóm chiến binh của Hapilon đã từng nhận “vài triệu USD” từ IS.

Trung tướng Carlito G. Galvez Jr., một chỉ huy quân đội trong chiến dịch này, cho biết khoảng 150 thường dân bị mắc kẹt đã được quân đội giải cứu. Trong khi đó, các chiến binh cực đoan vẫn đang đốt nhà để đánh lạc hướng quân chính phủ. Các tay súng này vẫn còn giữ hai khu vực của thành phố. Quân đội đã bắt đầu lục soát hết nhà này đến nhà khác để truy quét những kẻ cực đoan.

Tổng tư lệnh Eduardo Ano dự đoán rằng các hoạt động quân sự  sẽ mất khoảng một tuần nữa  để binh lính tìm đến từng nhà truy lùng và tiêu diệt toàn bộ các tay súng cực đoan.

Xuân Thành

Xem thêm: