Ngày 30/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng, Nga có thể đang lợi dụng việc bảo trì đường ống Nord Stream 1 theo kế hoạch như một “cái cớ” để ngăn chặn việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu trong tương lai gần.

Embed from Getty Images

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: Getty Images)

Trong một sự kiện do tờ báo Đức Sueddeutsche tổ chức, ông Habeck nhận định việc “phong tỏa” hoàn toàn Nord Stream 1 có thể bắt đầu từ ngày 11/7, khi Nga dự kiến ​​đóng cửa đường ống để bảo trì theo kế hoạch.

Ông lưu ý, việc bảo trì như vậy trước đây thường khiến đường ống phải ngừng hoạt động trong thời gian khoảng 10 ngày.

“Nhưng với những gì mà chúng tôi quan sát thấy, sẽ không quá ngạc nhiên nếu một số chi tiết kỹ thuật nhỏ được phát hiện và sau đó họ nói: ‘Chúng tôi không thể khởi động lại. Bây giờ chúng tôi đã phát hiện điều gì đó trong quá trình bảo trì – là như vậy đấy,” ông Habeck cho hay.

Nhận xét của Phó Thủ tướng Habeck được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga tuyên bố giảm 40% lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho Đức. Vào thời điểm đó, Gazprom đổ lỗi việc cắt giảm là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, khiến họ phải dừng giao hàng một phần để sửa chữa đường ống.

Nhưng tuyên bố đó đã bị các nhà lãnh đạo Đức, bao gồm cả ông Habeck bác bỏ hồi đầu tháng này: “Chúng tôi đã tham vấn chặt chẽ với Ủy ban Châu Âu và chắc chắn các vấn đề bảo trì không liên quan đến các lệnh trừng phạt.”

“Chúng tôi đang có tranh chấp thương mại khí đốt với ông Putin và điều này sẽ không dừng lại, ngay cả khi tuabin có xuất xứ từ Canada,” ông Habeck cho biết hôm 30/6, khi đề cập đến bộ phận của đường ống có vẻ như cần phải sửa chữa.

Phó Thủ tướng Đức coi việc cắt giảm là một chiến lược chính trị của Moscow: “Đây không phải là khởi đầu, mà là tiếp tục xu hướng từng bước tiến tới cắt giảm dòng khí đốt đến các quốc gia khác nhau.”

Các quan chức và nhà phân tích cũng cảnh báo, việc ngừng hoạt động kéo dài của đường ống có thể sẽ gây ra các cơn địa chấn cho châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và có thể khiến các mục tiêu dự trữ mùa đông của Liên minh châu Âu gặp rủi ro.

Đức đã lần thứ hai kích hoạt kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vào tuần trước, khi nhiều quan chức bày tỏ quan ngại rằng nước này có nguy cơ xảy ra “khủng hoảng” nguồn cung. Ngày 30/6, ông Habeck thông báo, Đức vẫn đang tiếp tục dự trữ khí đốt, mặc dù mới chỉ ở mức gần một nửa so với trước khi Gazprom thông báo cắt giảm Nord Stream 1.

“Tình hình chắc chắn là rất khó khăn,” ông nói.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Habeck nhấn mạnh Châu Âu cần phải tiếp tục tăng cường kho chứa khí đốt tự nhiên, đồng thời Đức cũng phải thúc đẩy việc phát triển hai cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đã được dự kiến ​​hoàn thành vào cuối năm nay.

Minh Ngọc (Theo Washingtonexaminer)