Một báo cáo mới công bố hôm thứ Năm (17/6) cho thấy, việc phong tỏa trong đại dịch COVID-19 gây tác động xấu đến tầng lớp người lao động Mỹ hơn nhiều so với những người Mỹ có mức thu nhập cao.

Embed from Getty Images

Theo dữ liệu từ Đại học Harvard, Đại học Brown và Quỹ Gates, sự phục hồi thị trường việc làm có sự khác biệt đáng kể trong các phân khúc người lao động “lương cao”, “lương trung bình” và “lương thấp”.

Từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021, tổng số việc làm dành cho những người Mỹ có thu nhập trên 60.000 USD đã tăng 2,4%. Trong khi đó, con số này ở những người lao động có thu nhập dưới 60.000 USD và những người lao động có thu nhập dưới 27.000 USD giảm lần lượt 4,5% và 23,6%.

Ngoài ra, việc làm của người Mỹ trong lĩnh vực “Dịch vụ chuyên nghiệp & kinh doanh” chỉ giảm 0,5%; nhưng ở các lĩnh vực “Bán lẻ & Vận tải”, “Dịch vụ Giáo dục & Y tế” và “Giải trí & Khách sạn” chứng kiến ​​mức giảm lần lượt là 3,5%, 6,4% và 20,7%.

Ông Brad Polumbo, chủ biên của Quỹ Giáo dục Kinh tế Hoa Kỳ nhận định: “Các phát hiện này thể hiện rõ, lệnh phong tỏa của chính phủ đã hủy diệt những người lao động ở tầng cuối của ‘chuỗi thức ăn tài chính’ (financial food chain), nhưng lại khiến tầng lớp trên thực sự ít bị ảnh hưởng hơn… Chúng cũng gợi nhắc đến một thực tế khác, lệnh phong tỏa của chính phủ làm tổn thương hầu hết những người ít có khả năng chi trả nhất.”

Ông Polumbo cũng lưu ý, bản thân các lệnh phong tỏa – chứ không phải COVID-19 – mới là thủ phạm thuyết phục nhất dẫn đến sự suy thoái kinh tế:

Ông nói thêm: “Một số nhà phê bình cho rằng đại dịch, chứ không phải chính phủ, mới là nguồn gốc thực sự của áp lực về mặt kinh tế này. Mặc dù không nghi ngờ gì về việc bản thân virus đóng một vai trò nhất định, nhưng việc chính phủ tiến hành phong tỏa chắc chắn là yếu tố lớn nhất… Và đừng quên thực tế là các tiểu bang tiến hành phong tỏa sâu rộng hơn thường có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với các tiểu bang áp dụng cách tiếp cận tự do hơn.”

Quả thật, sự phục hồi của thị trường việc làm có sự khác biệt đáng kể tại từng tiểu bang. Trong khi tỷ lệ việc làm ở Florida, Nam Carolina và Arizona tăng lần lượt là 16,1%, 15,3% và 13,3% thì California, New York và Hawaii (ba tiểu bang phong tỏa nhiều nhất nước Mỹ) chỉ tăng ở mức 6,8%, 5,1 % và 1,7%. Đáng chú ý, Washington, D.C. còn ghi nhận mức giảm tỷ lệ việc làm 9.8%.

“Chỉ số trở lại bình thường” (Back-to-Normal Index) mới công bố gần đây của Moody’s Analytics và CNN Business cũng cho thấy, Florida, South Dakota, Rhode Island, Nebraska, Idaho và các tiểu bang nhanh chóng hủy bỏ lệnh phong tỏa đã sớm quay trở lại khôi phục – hoặc thậm chí là vượt mức so với công suất kinh tế trước suy thoái. Kinh tế của Rhode Island, Nebraska và Idaho đều đang hoạt động với 100% công suất so với trước đại dịch. Các tiểu bang có mức phục hồi kinh tế cao khác là West Virginia (98%), Nevada (97%), Montana (97%), Iowa (97%) và Arizona (96%). Trong khi đó, New York – nơi tích cực thực thi lệnh phong tỏa – chỉ mới quay lại được mức 79% so với trước đại dịch.

Xu hướng tương tự cũng thể hiện rõ trong tỷ lệ thất nghiệp của các bang. Theo dữ liệu của CNN Business, trong khi cả Nam Dakota và Nebraska đều có tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 2,8%, thì có tới hơn 8% công nhân ở New York, California, Connecticut và Hawaii hiện vẫn đang thất nghiệp.

Minh Ngọc (Theo Daily Wire)

Xem thêm: