Hôm Chủ nhật (20/6) các quan chức phương Tây cảnh báo Iran rằng các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân không thể kéo dài vô thời hạn, sau khi các bên thông báo tạm dừng trong bối cảnh một tổng thống mới có quan điểm cứng rắn vừa được bầu tại Iran.

Embed from Getty Images

Các cuộc đàm phán đã diễn ra tại thủ đô Vienne của Áo kể từ tháng Tư nhằm tìm cách để cả Iran và Hoa Kỳ có thể quay trở lại tuân thủ hiệp ước hạt nhân năm 2015, vốn đã bị Washington từ bỏ vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, và Iran sau đó đã vi phạm nó.

Việc tạm dừng các cuộc đàm phán hôm Chủ nhật (20/6) diễn ra sau khi ông Ebrahim Raisi, một người có quan điểm cứng rắn và luôn chỉ trích dữ dội phương Tây, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran hôm thứ Sáu (18/6). Hai nhà ngoại giao của Iran tuyên bố, họ dự kiến việc tạm dừng trong khoảng 10 ngày.

Ông Raisi sẽ nhậm chức vào đầu tháng 8, thay thế Tổng thống Hassan Rouhani, người đã giúp Iran đạt được thỏa thuận với phương Tây khi đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Các quan chức của cả Iran và phương Tây đều cho rằng sự đắc cử của ông Raisi không có khả năng thay đổi quan điểm đàm phán của Iran bởi vì Lãnh tụ Tối cao theo đường lối cứng rắn của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã có tiếng nói cuối cùng đối với tất cả chính sách lớn của nước này.

Tuy nhiên, một số quan chức Iran đã gợi ý rằng Tehran có thể cân nhắc đẩy nhanh việc thông qua một thỏa thuận trước khi tổng thống mới của Iran nhậm chức vào tháng 8, để giúp ông Raisi rũ bỏ trách nhiệm về vấn đề này.

Một quan chức chính phủ của Iran thân cận với các cuộc đàm phán tiết lộ với Reuters, nếu một thỏa thuận được hoàn tất trước khi ông Raisi nhậm chức, thì vị tổng thống mới của Iran sẽ có thể đổ lỗi bất kỳ sự nhượng bộ nào cho chính phủ tiền nhiệm. Ông nói: “ông Rouhani, chứ không phải ông Raisi, sẽ bị đổ lỗi cho bất kỳ vấn đề nào trong tương lai liên quan đến thỏa thuận.”

Anh, Pháp và Đức, được gọi nhóm “E3” của châu Âu không phải là bên tham gia chính thức cuộc đàm phán, đã đóng vai trò trung gian hòa giải một cách tích cực, qua lại như con thoi giữa phái đoàn Iran và phái đoàn đại diện của Hoa Kỳ.

Các quốc gia phương Tây nhìn nhận, việc Iran vi phạm thỏa thuận và sản xuất vật liệu hạt nhân bị cấm càng kéo dài, thì việc khôi phục lại hiệp ước càng khó khăn hơn.

Các nhà ngoại giao E3 nhấn mạnh trong một thông báo gửi cho các phóng viên: “Như chúng tôi đã nói trước đây, thời gian không đứng về phía ai. Các cuộc đàm này không thể kéo dài vô thời hạn,” đồng thời nhận định “các vấn đề khó khăn nhất vẫn cần phải được giải quyết”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc lại những bình luận đó khi phát biểu với đài truyền hình ABC News rằng vẫn còn “một quãng đường để đi” , bao gồm cả về các lệnh trừng phạt và những cam kết hạt nhân mà Iran phải thực hiện. 

Với việc các cuộc đàm phán tạm dừng, giờ đây sự chú ý sẽ chuyển sang việc gia hạn một hiệp định riêng giữa Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ (IAEA), vốn sẽ hết hạn vào ngày 24/6. Iran đã chấm dứt các biện pháp giám sát bổ sung vốn được áp dụng theo thỏa thuận 2015.

Giám đốc chính trị Enrique Mora của EU, người đang điều phối các cuộc đàm phán hạt nhân, cho biết ông hy vọng việc gia hạn sẽ cho phép dữ liệu tiếp tục được thu thập trong khi hiện giờ việc truy cập của IAEA đối với dữ liệu này đang bị hạn chế.

Ông Raisi chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

Mặc dù sự trỗi dậy của một người theo đường lối cứng rắn để kế nhiệm Tổng thống Rouhani đã được dự kiến, nhưng điều này có thể làm lợi cho những người chống đối thỏa thuận cánh hữu ở Hoa Kỳ, cũng như ở Israel và các quốc gia Ả Rập, những người cho rằng Iran không cải thiện và không đáng tin cậy.

Hôm Chủ nhật (20/6) Thủ tướng mới của Israel Naftali Bennett tuyên bố chính phủ của ông Raisi sẽ là “một chế độ treo cổ tàn bạo” mà các cường quốc trên thế giới không nên đàm phán một hiệp định hạt nhân mới.

Ông Raisi đang chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì những hành động trong quá khứ bao gồm cả việc mà Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền cáo buộc là đã giết không qua xét xử hàng nghìn tù nhân chính trị vào năm 1988. Ông này chưa bao giờ công khai nói về các cáo buộc như vậy.

Ông Raisi, giống như Lãnh tụ Tối cao Khamenei của Iran, đã ủng hộ các cuộc đàm phán hạt nhân như một lộ trình để hủy bỏ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vốn đã làm suy yếu nền kinh tế Iran. Một số quan chức Iran bày tỏ, phái đoàn đàm phán hiện tại của nước này sẽ vẫn giữ nguyên trong vài tháng tới.

Một quan chức khác của Iran cho biết: “Người mà ông Raisi chọn làm ngoại trưởng sẽ tiết lộ cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới,” đồng thời ông cũng nhắc lại rằng chính sách hạt nhân của Iran đã được ông Khamenei quyết định.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Xem thêm: