Trung Quốc sẽ “kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan,” theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm Thứ Ba (16/5), và gọi những nỗ lực quân sự gần đây của Hoa Kỳ liên quan tới quốc đảo tự trị này là “những âm mưu can thiệp từ bên ngoài”, và là “những hành vi cực kỳ sai lầm và nguy hiểm,” theo VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) và nhiều báo khác đưa tin.

p3192503a78450666
Một cuộc diễn tập của quân đội ĐCSTQ. (Nguồn: Weibo của Phòng Công tác Chính trị Quân khu Phúc Kiến).

Trong tuyên bố được đăng trên mạng Internet của mình, Tướng Tan Kefei, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng quân đội Trung Quốc PLA đang “tiếp tục tăng cường huấn luyện và chuẩn bị quân sự, đồng thời kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan cùng với các âm mưu can thiệp từ bên ngoài, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.”

Sau nội chiến 1949, phe Quốc dân đảng tháo chạy khỏi Trung Quốc Đại Lục và đã thành lập quốc đảo tự trị ở Đài Loan. Phe Cộng sản đảng nắm quyền ở Bắc Kinh cho tới nay vẫn tuyên bố rằng Đài Loan là một phần của họ, cũng như ngăn cản các cộng đồng quốc tế trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận Đài Loan là một thực thể độc lập.

Đài Loan tuyên bố 23 triệu người dân của Đài Loan có quyền tự quyết về tương lai của mình, và Bắc Kinh chưa từng bao giờ có được quyền kiểm soát hòn đảo này. Tình hình giữa hai eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng thời gian qua, kể từ năm ngoái Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ tới thăm Đài Loan.

Trung Quốc biểu diễn sức mạnh quân sự

Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất và kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa bằng cách đưa máy bay và tàu chiến vào vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan. Với hơn 2 triệu thành viên, quân đội PLA cũng được xếp hạng là quân đội thường trực lớn nhất thế giới, mặc dù việc vận chuyển thậm chí một phần lực lượng trong trường hợp tiến hành chiến tranh xâm lược được coi là một thách thức lớn về hậu cần.

Cùng với các cuộc xâm nhập trên không và trên biển hàng ngày xung quanh Đài Loan, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong và xung quanh eo biển Đài Loan chia cắt hai bên, một phần được coi là cuộc diễn tập cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với an ninh và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Những hành động như vậy có thể được coi là nỗ lực quấy rối quân đội Đài Loan và đe dọa các chính trị gia cũng như cử tri, những người sẽ chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới vào năm tới.

Các động thái dường như đã có tác dụng không cao, khi mà hầu hết người Đài Loan kiên quyết ủng hộ việc duy trì tình trạng độc lập trên thực tế của họ. Các chính trị gia và nhân vật công chúng khác từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thường xuyên đến Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ của họ, bất chấp rằng các quốc gia của họ chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, do phải lo lắng tới quan hệ với Bắc Kinh.

Tan Kefei đưa ra tuyên bố trên, là trong bối cảnh một phóng viên nói rằng rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 500 triệu đô la cho Đài Loan và gửi hơn 100 nhân viên quân sự để đánh giá các phương pháp huấn luyện và đưa ra các đề xuất để cải thiện hệ thống phòng thủ của quốc đảo này.

Hỗ trợ của Hoa Kỳ

Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ, những đảng đã kêu gọi chính quyền Biden thực hiện thông qua gần 19 tỷ đô la các mặt hàng quân sự đã được phê duyệt để bán, nhưng hiện chưa được giao cho Đài Loan.

Các quan chức chính quyền đã đổ lỗi cho việc giao hàng chậm trễ là do tắc nghẽn trong sản xuất liên quan đến đại dịch COVID-19 và năng lực hạn chế cũng như nhu cầu vũ khí gia tăng để hỗ trợ Ukraine. Động thái của ông Biden sẽ cho phép xuất khẩu các mặt hàng từ kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ, đẩy nhanh việc cung cấp ít nhất một số phần cứng mà Đài Loan cần để ngăn chặn hoặc đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Trong số các mặt hàng được đặt hàng có tên lửa chống hạm Harpoon, máy bay chiến đấu F-16, tên lửa vác vai Javelin và tên lửa Stinger, và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS (một hệ thống gồm bệ phóng tên lửa và nhiều tên lửa gắn trên một chiếc xe tải đã trở thành một vũ khí tỏ ra hữu hiệu và quan trọng trong chiến tranh Ukraine).

Những bình luận của ông Tan Kefei được coi là khẳng định một cách mạnh mẽ hơn các luận điểm lâu nay của Bắc Kinh về cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, mà theo đó Đài Loan được miêu tả là một phần lãnh thổ của họ, trong khi họ chưa từng bao giờ có quyền kiểm soát vùng đất này.

Với quan hệ Trung-Mỹ ở mức thấp lịch sử và Đài Loan không chấp nhận yêu cầu nhượng bộ chính trị của Bắc Kinh về thống nhất, mối lo ngại đang gia tăng về khả năng xảy ra xung đột mở liên quan đến cả ba bên và có thể là các đồng minh hiệp ước của Mỹ như Nhật Bản.

Sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine cũng làm gia tăng căng thẳng với Washington. Bắc Kinh được cho là đang nghiên cứu kỹ lưỡng những bài học từ chiến tranh Ukraine, và về phương diện quân sư, kinh tế, và ngoại giao.

Nhật Tân, theo VOA