Ngay trước thềm Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có tin đồn rằng các quan chức Trung Quốc đang trì hoãn cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn được lên kế hoạch bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.

Tap can binh Joe Biden
Ảnh phải: Ông Tập Cận Bình (Falt i det fri) – Ảnh trái: Ông Joe Biden (Gage Skidmorei)

Nguồn tin từ tờ Politico cho hay phía giới chức Bắc Kinh không tham gia với phía giới chức Mỹ trong vấn đề soạn thảo chương trình nghị sự cho cuộc họp này – một động thái có thể khiến cuộc họp không thể diễn ra.

Gần đây, quan hệ Mỹ-Trung đặc biệt căng thẳng hơn khiến Bắc Kinh tức giận đến mức họ đang cân nhắc rút lui khỏi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Căng thẳng leo thang về các vấn đề như Đài Loan, thương mại và nhân quyền (từ cam kết gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự nếu Trung Quốc xâm lược, đến việc kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn cần thiết cho thế hệ vũ khí mới). Theo nguồn tin được tờ Politico, “các nhà ngoại giao Trung Quốc chia sẻ họ không mong đợi một kết quả gì tích cực… Nếu không thể mong có được kết quả gì tích cực, quan điểm là chúng ta có nên tổ chức một cuộc họp không?”

Đại sứ quán Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Politico. Nhà Trắng cũng phủ nhận rằng có bất kỳ vấn đề nào trong cuộc đàm phán.

Từ vài tháng trước, Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc gặp này. Sau cuộc điện đàm gần đây nhất của ông Biden với ông Tập, vào tháng 7 Nhà Trắng thông báo rằng hai bên đã nhất trí về “giá trị của cuộc gặp mặt trực tiếp” và sẽ ấn định thời gian cho cuộc gặp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cử một phái đoàn tới Indonesia vào tháng 8 để chuẩn bị cho cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại Bali.

Nhưng với việc chỉ còn một tháng nữa khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20, một nhà ngoại giao tại Washington đã nắm rõ các kế hoạch cho sự kiện này cho biết tính chất không chắc chắn của cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Biden và ông Tập đang trở thành vấn đề.

Cuộc gặp này được cho là chìa khóa cho những nỗ lực của chính quyền Biden (được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia tuần này), nhằm tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng qua đó xác định khả năng áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc và vận động các đồng minh chống lại các hành vi hung hăng gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Cho đến nay, dường như phía Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với khả năng như vậy. Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8, Bắc Kinh bắt đầu điều máy bay chiến đấu đến vùng biển eo biển Đài Loan một cách thường xuyên và cắt đứt hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực kiểm soát ma túy cùng khí hậu.

Mỹ cũng đáp trả mạnh mẽ. Vào tháng 9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Chính sách Đài Loan” (Taiwan Policy Act) để tăng cường khả năng quốc phòng của Đài Loan. Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã công bố các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn một cách triệt để nhất đối với Trung Quốc, đồng thời đưa ra chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên mô tả Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ, qua đó cảnh báo Trung Quốc có thể vũ khí hóa thương mại như một chiêu bài gây sức ép địa chính trị.

Người sáng lập Quỹ Đối thoại (The Dui Hua Foundation) Mỹ – Trung, một tổ chức thường xuyên tiếp xúc với các nhà ngoại giao Trung Quốc, ông John Kamm cho rằng tình thế đã làm trầm trọng thêm nghi ngờ của Trung Quốc về tính hiệu quả của cuộc gặp dù họ chưa hoàn toàn từ bỏ. Ông Kamm nói: “Dựa trên các cuộc tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc thì có thể mong đợi một cuộc gặp, nhưng các chi tiết vẫn chưa được thống nhất. Họ cảnh giác và tức giận về các chính sách như quyết định chặn chất bán dẫn”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) là Singleton cho rằng sự trì hoãn của Bắc Kinh có thể chỉ là một cách gây áp lực trước khi cuộc gặp diễn ra.

Nguồn tin nói với Politico tóm tắt về cuộc gặp Biden – Tập rằng việc Trung Quốc miễn cưỡng hoàn thiện chương trình cuộc gặp, cũng có thể phản ánh mong muốn của Bắc Kinh là trì hoãn việc xác nhận các sự kiện ngoại giao lớn này cho đến khi kết thúc Đại hội 20 khai mạc vào Chủ nhật (17/10). Nếu không có gì bất ngờ, ông Tập Cận Bình sẽ duy trì quyền lực tại Đại hội 20 và bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ và mở đường cho một khả năng cầm quyền suốt đời.

Chủ tịch Craig Allen của Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung (US-China Business Council) cho biết bất kể chương trình nghị sự của hai bên có diễn ra hay không thì họ cũng vẫn sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp trong Hội nghị thượng đỉnh G20.