Các tổng thống thích nói rằng những người tiền nhiệm của họ đã để lại cho họ một mớ hỗn độn. Tuy nhiên, trong chính sách về Trung Đông, Tổng thống Donald Trump đã để lại cho người kế nhiệm – ông Joe Biden – một món quà đặc biệt là hòa bình và sự ổn định, theo nhà báo Joel B. Pollak của hãng tin Breitbart News.

Joe Biden
Ông Joe Biden. (Ảnh: mark reinstein/Shutterstock)

Các thỏa thuận hòa bình đã xuất hiện gần như hàng tuần giữa Israel và các nước Ả Rập láng giềng. Iran, quốc gia đang phải vật lộn dưới gánh nặng của các lệnh trừng phạt đến từ Mỹ, đã bị cô lập, tan vỡ và đổ nát bởi tình trạng bất ổn nội bộ. Tại Afghanistan, một thỏa thuận dự kiến với Taliban đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ có thể mong chờ được trở về nhà.

Ông Trump đã đưa Mỹ tới một vị thế có lợi về mặt chiến lược trong lịch sử. Nhưng giống như Tổng thống Barack Obama, người đã phung phí những thành quả về Iraq và rút lui trước khi đất nước đủ ổn định để ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo,” ông Biden đang vứt bỏ nhiều thành quả mà ông Trump đạt được trong khu vực.

Nếu chỉ đơn giản là đi theo lộ trình mà ông Trump đã vạch ra, ông Biden có thể tối đa hóa đòn bẩy (leverage) của mình đối với Iran và lôi kéo Ả Rập Saudi làm hòa với Israel. Tuy nhiên, những triển vọng đang mờ nhạt.

Chẳng hạn, vào hôm 29/1 vừa qua, Nhà Trắng xác nhận rằng Tổng thống Biden đã chỉ định Robert Malley làm đặc phái viên về Iran. Ông Malley là người thuộc phe “cấp tiến” với một hồ sơ thất bại trong chính sách đối ngoại lâu dài.

Năm 2008, chiến dịch tranh cử của Obama đã “tống cổ” Malley sau khi phát hiện ra ông gặp nhóm khủng bố Palestine Hamas. Năm 2015, ông được đưa vào chính quyền Obama để làm việc trong nhóm đàm phán thỏa thuận hạt nhân vô vọng với Iran. Ông Malley sau đó được mệnh danh là “sa hoàng” của ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria), dẫn đầu nỗ lực vô ích của ông Obama.

Ông Malley dường như không học được gì từ những sai lầm của mình. Vào năm 2018, khi Tổng thống Trump ủng hộ các cuộc biểu tình chống chế độ Iran, ông Malley đã tham gia cùng những người chỉ trích ông Trump và cho rằng cựu Tổng thống nên “im lặng.”

Mặc dù ông Joe Biden đã vận động để quay lại thỏa thuận với Iran, nhưng vẫn có hy vọng rằng ông có thể thúc đẩy một thỏa thuận cứng rắn hơn – thỏa thuận không cho Iran một con đường rõ ràng để có vũ khí hạt nhân. Việc bổ nhiệm ông Malley là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Biden có ý định xoa dịu chế độ, như ông Obama đã từng làm.

Điều đó làm tăng khả năng về hành động quân sự phủ đầu của Israel nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Không đời nào mà Israel, hoặc các đồng minh Ả Rập, có thể chấp nhận quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân như Iran. Và sau kinh nghiệm trong những năm dưới thời Obama – trong đó chính quyền chấp nhận một thỏa thuận cho phép Iran cuối cùng trở thành cường quốc hạt nhân, và thậm chí từ bỏ các cam kết công khai nhằm ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, vậy nên không có lý do gì để Israel tin tưởng vào sự che chở của ông Biden.

Ngoài ra, trong tuần này, chính quyền đã đình chỉ việc bán vũ khí cho hai đồng minh quan trọng là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Trong khi có những câu hỏi quan trọng về sự tham gia của Ả Rập Saudi vào cuộc nội chiến ở Yemen, cần lưu ý là Ả Rập Saudi đang phản đối lực lượng Houthi (do Iran hậu thuẫn), đơn vị đã khởi xướng cuộc nội chiến. Việc chấm dứt bán vũ khí cho Ả Rập Saudi cho phép Iran hỗ trợ Houthi và giành được ảnh hưởng trên eo biển Bab el-Mabndeb từ lực lượng Mỹ ở Djibouti. (Phương châm của Houthi: “Thượng đế vĩ đại, cái chết đối với Mỹ, cái chết đối với Israel, lời nguyền đối với người Do Thái, chiến thắng đối với Hồi giáo.”)
Hơn nữa, việc bán vũ khí cho UAE là một phần của các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp định Abraham, hiệp định hòa bình giữa UAE và Israel.

Bằng cách rút lui khỏi thỏa thuận với UAE, ông Biden có nguy cơ làm rạn nứt quan hệ ngoại giao dẫn đến sự ủng hộ của UAE và một số quốc gia Ả Rập khác đối với Israel. Người thắng lớn là Iran, quốc gia muốn làm suy yếu các nước Ả Rập và không khuyến khích mối quan hệ đối tác Israel-Ả Rập.

Ngoài ra, chính quyền cho biết họ sẽ nối lại quan hệ với Chính quyền Palestine và khôi phục viện trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc (UNWRA), vốn chỉ tập trung vào “người tị nạn” Palestine. Khi được hỏi Mỹ sẽ nhận lại những gì, Nhà Trắng đã không thể trả lời. Và câu trả lời thực sự là: không có gì cả.

Trong khi Ngoại trưởng Tony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ giữ đại sứ quán của họ ở Jerusalem, ông Biden đang thưởng cho người Palestine bằng mọi cách khác vì từ chối đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, Taliban đang từ bỏ thỏa thuận của họ với Mỹ, qua đó cho phép tổ chức Al Qaeda thiết lập chỗ đứng. Cả ông Obama và ông Trump đều hướng đến con đường ngoại giao, xem đây là một lối thoát cho Afghanistan. Ông Trump, ít nhất, đã trừng phạt Taliban vì đã giết người Mỹ, và họ đã dừng lại.

Thật khó tin nếu Biden cũng sẽ làm như vậy; ông ta thậm chí đã không làm bất cứ điều gì để trừng phạt Nga vì đã đầu độc lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny, mặc dù đã 4 năm đảng Dân chủ nổi giận đùng đùng về sự “thông đồng” của ông Trump và Nga.

Ông Blinken cho đến nay là thành viên duy nhất của chính quyền Biden thừa nhận rằng ông Trump đã thành công – trong việc đối đầu với Trung Quốc, củng cố mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo, và dàn xếp Hiệp định Abraham. Ông Blinken cũng buộc phải thừa nhận, trong phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện, rằng ông đã sai về Chiến tranh Iraq, Chiến tranh Libya và Nội chiến Syria.

Những người hy vọng vào sự tiến bộ tiếp tục ở Trung Đông đang đặt hy vọng vào ý tưởng rằng ông Blinken là người tốt nhất trong số những người xấu, người mà dường như có thể “ngược dòng đi lên” trong công việc.

Nhưng phần còn lại của chính quyền sẽ không chấp nhận rằng cách tiếp cận của Obama-Biden đối với Trung Đông đã thất bại, hay cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết (America first)” của ông Trump đã thành công.

Kết quả là, thay vì hòa bình, ông Biden có thể đưa Trung Đông trở lại con đường chiến tranh.

Theo Breitbart,

Phan Anh

Xem thêm: