Phó Tổng thống Kamala Harris đã kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Guatemala và Mexico hôm 7/6 và 8/6. Bà Harris đã họp báo chung với Tổng thống Guatemala hôm 7/6, nhưng không họp báo chung với Tổng thống Mexico hôm 8/6. Bất chấp gặp phải sự chỉ trích ở cả trong nước và tại quốc gia bà đến thăm, phó tổng thống vẫn khoe về tiến bộ ngoại giao đã đạt được.

Embed from Getty Images

Trong chuyến công du hai ngày tới Guatemala và Mexico, bà Harris đã nhấn mạnh “các nguyên nhân gốc rễ” của nạn di cư. Bà đã gặp Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador khoảng hơn một giờ hôm thứ 8/6, nhưng hai người không tổ chức họp báo chung. Trong buổi họp báo một mình tại Mexico, bà Harris nói rằng bà “lạc quan về tiềm năng về sự tiến bộ”.

Trong cuộc họp báo đó, bà Harris đã loan báo về một sáng kiến hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ và Mexico nhằm đấu tranh với nạn buôn người. Ngoài ra, bà cũng đề cập tới các thỏa thuận mà hai bên đạt được liên quan đến các nỗ lực nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn di cư tại Trung Mỹ, thúc đẩy nền kinh tế tại miền Nam Mexico và tăng cường đối thoại về các vấn đề kinh tế và an ninh.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Lester Holt của NBC News hôm 7/6 ngay tại Guatemala và phát sóng hôm 8/6, bà Harris đã khẳng định rằng đã đạt được tiến bộ ngoại giao rồi.

Tôi muốn bạn biết rằng chúng tôi đã đã được tiến bộ [ngoại giao] rồi”, bà Harris nói với nhà báo Lester Holt. “Khi chúng tôi có 12 trong số những tập đoàn lớn nhất của Mỹ… Tôi đã triệu tập họ tới văn phòng của tôi và họ đã đồng ý giúp chúng tôi làm việc về vấn đề này. Thành công cho đến nay là tập hợp được các tổ chức dựa vào cộng đồng, không chỉ tại Mỹ, mà còn ở đây tại Guatemala”.

Hôm nay, một trong những cuộc gặp của tôi là với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự. [Thông qua cuộc gặp này] để cho họ biết chúng tôi quan sát họ. Chúng tôi hiểu những lo lắng của họ về tham nhũng và chúng tôi cũng hiểu vai trò lãnh đạo của họ để giúp chúng tôi, [chúng tôi hiểu vai trò của lãnh đạo của họ] liên quan đến cách chúng tôi ưu tiên công việc của mình tại khu vực này”, bà Harris nói thêm.

Sau đó bà Harris đã bối rối khi nhà báo Lester Holt liên tục hỏi về lý do tại sao bà chưa tới thăm biên giới Mỹ – Mexico.

Tôi [cũng] chưa tới châu Âu”, bà Harris vừa nói vừa cười. “Tôi không hiểu luận điểm mà bạn đang đưa ra”.

Phó tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo tại Mexico hôm 8/6 đã nói rõ hơn về vấn đề trên. Bà đã cam kết sẽ đích thân tới thăm biên giới phía Nam, nhưng không nói rõ vào thời điểm nào.

Vâng, tôi sẽ [thăm biên giới]”, bà Harris nói. “Và tôi đã [tới đó] trước đây… Tôi đã từng dành nhiều thời gian về biên giới, cả việc trực tiếp đi tới đó và nhận thức về các vấn đề. Nhưng thực tế của vấn đề đó là chúng ta cần ưu tiên [xử lý] những gì đang xảy ra tại biên giới. Và chúng tôi phải ưu tiên [xử lý nguyên nhân] tại sao mọi người sẽ đi tới biên giới”.

Khi Tổng thống [Biden] yêu cầu tôi giải quyết vấn đề này, đó là về việc xử lý các nguyên nhân gốc rễ của nạn di cư”, bà Harris nói thêm. “Và những nguyên nhân gốc rễ là đặt trên cơ sở những vấn đề và thách thức mà mọi người dân đang phải đối mặt tại các quốc gia như Guatemala. Đó là lý do tại sao tôi đã đến đó”.

Trong chuyến công du Trung Mỹ hai ngày lần này, đặc biệt là chuyến thăm tới Guatemala, bà Harris đã gặp phải những sự cố không mấy dễ chịu.

Trước cuộc gặp giữa bà Harris và Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei, một nhóm nhỏ người dân đã biểu tình, mang theo các biển hiệu tuyên bố Tổng thống Donald Trump “đã chiến thắng” trong cuộc bầu cử 2020. Họ cũng hô lớn: “Hãy lo chuyện của bà đi!

Hai nhà lãnh đạo Guatemala và Mexico cũng không đánh giá cao cách chính quyền Biden-Harris xử lý cuộc khủng hoảng biên giới và họ thậm chí công khai chỉ trích các lãnh đạo đương nhiệm tại Washington.

Một ngày trước cuộc gặp với bà Harris, ông Giammattei đã chỉ trích cách tiếp cận vấn đề di cư của chính quyền Biden. Tổng thống Guatemala nói trên CBS rằng “những kẻ vô lại ở đây đang tổ chức các nhóm trẻ em để đưa chúng đến Mỹ” ngay lập tức sau khi vị tổng thống mới tại Nhà Trắng hứa sẽ “tái đoàn tụ các gia đình” và “tái đoàn tụ trẻ em”.

Hồi tháng Ba, Tổng thống Mexico López Obrador đã nói rằng cách tiếp cận vấn đề biên giới của chính quyền Biden đã thuyết phục những người di cư rằng việc băng qua biên giới hiện nay là “dễ dàng hơn” so với thời chính quyền Trump. Ông cũng ám chỉ rằng chính sách biên giới của chính quyền Biden đã giúp gia tăng lợi nhuận cho các tập đoàn buôn lậu ma túy và các băng đảng tội phạm liên quan đến nạn buôn người tại Mexico.

Xuân Thành (Theo Newsweek)