Một quan chức cấp cao của Belarus hôm Chủ Nhật (28/5) nói trên truyền thông rằng các quốc gia phương Tây đã khiến Belarus không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, theo Reutersđưa tin.

Lãnh đạo Hội đồng An ninh Belarus, ông Alexander Volfovich đã nói rằng hoàn toàn logic khi vũ khí hạt nhân được rút đi sau khi Liên Xô sụp đổ vì khi đó Mỹ đã cung cấp các đảm bảo an ninh và không áp đặt các chế tài.

Ngày nay, mọi thứ đã đang biến mất. Tất cả lời hứa đã biến mất mãi mãi”, hãng tin Belta dẫn lời ông Volfovich nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Belarus hôm 28/5.

Belarus dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Alexander Lukashenko từ năm 1994 là đồng minh tin cậy nhất của Nga trong số các quốc gia cựu Liên Xô và Minsk đã cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ của mình để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Hồi tháng Ba, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Và đến tuần trước, hai bộ trưởng quốc phòng Nga và Belarus đã ký thỏa thuận triển khai loại vũ khí này tại lãnh thổ Belarus. Theo Reuters, đối với Nga, việc triển khai này là nhằm đạt được những lợi thế đặc biệt trên chiến trường Ukraine.

Nga nói rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine là nhằm đối phó với cái mà họ gọi là một động lực do “tập thể phương Tây” đặt ra để tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm và gây ra thất bại cho Moscow.

Ông Volfovich cho hay: “Triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus theo đó là một trong những bước đi của răn đe chiến lược”.

Nhưng ông Volfovich cũng nói rằng mọi lựa chọn sử dụng “vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ dẫn tới những hậu quả không thể tránh khỏi”.

Tuần trước, Tổng thống Belarus Lukashenko nói rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đang được tiến hành rồi, nhưng vẫn chưa rõ khi nào chúng sẽ được hoàn tất.

Mỹ đã lên án vũ khí hạt nhân chiến thuật sắp được triển khai tại Belarus, nhưng khẳng định rằng lập trường của họ về sử dụng loại vũ khí này là chưa thay đổi. Có nghĩa là, Mỹ vẫn phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại chiến trường Ukraine.

Sau khi độc lập khỏi Liên Xô, cả Belarus, Ukraine và Kazakhstan đều đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân họ sở hữu và chuyển chúng tới Nga, coi đó là một phần của những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân. Đổi lại, các nước này nhận được đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh Quốc.

Các chế tài của phương Tây áp lên Belarus là có từ lâu trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Phương Tây chế tài Minsk vì cáo buộc chính quyền của Tổng thống Lukashenko trấn áp nhân quyền, đặc biệt là đàn áp các cuộc biểu tình quần chúng vào năm 2020 khi người biểu tình cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 tại Belarus là gian lận.

Hải Đăng