Một quan chức cấp cao của Hamas hôm thứ Tư (12/5) cho biết tổ chức khủng bố đã sẵn sàng chấm dứt cuộc giao tranh gay gắt hiện nay với Israel, Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố.

Embed from Getty Images

Phó Chủ nhiệm văn phòng chính trị Hamas Moussa Abu Marzouk đã đưa ra lời đề nghị ngừng bắn trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, người cũng phụ trách các vấn đề Trung Đông.

Theo Nga, ông Abu Marzouk, phát biểu thay mặt cho lãnh đạo Hamas, sẵn sàng “dừng bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Israel trên cơ sở có đi có lại và với điều kiện cộng đồng quốc tế sẽ gây áp lực cần thiết lên phía Israel để ngăn chặn các hành động quân sự trong khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa,” theo tuyên bố.

Abu Marzouk tiếp tục đặt điều kiện về việc ngừng bắn, khi yêu cầu chấm dứt những gì mà ông gọi là các biện pháp “bất hợp pháp” của Israel đối với “cư dân Ả Rập bản địa” của Jerusalem.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc điện đàm được tổ chức theo yêu cầu của phía Palestine. Trong đó, ông Abu-Marzouk đã nói về việc leo thang bạo lực mạnh mẽ trong vài ngày qua, cũng như vấn đề về các gia đình Palestine phải đối mặt với việc bị trục xuất ở Sheikh Jarrah. Ông cũng phàn nàn về những gì ông nói là Israel pháo kích vào các khu dân cư ở Dải Gaza.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Bogdanov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay lập tức bạo lực cũng như “không thể chấp nhận các cuộc tấn công vào dân thường bất kể quốc tịch và tôn giáo, bao gồm cả các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Israel và Palestine”.

Đề nghị của ông Abu Marzouk được đưa ra sau ba ngày bắn tên lửa từ Dải Gaza vào Israel, trong đó hơn 1.000 quả đạn đã được phóng vào quốc gia Do Thái, giết chết 6 dân thường và làm hàng chục người bị thương. Một binh sĩ Israel thiệt mạng bởi tên lửa chống tăng ở biên giới Gaza.

Thế nhưng, ông Abu Marzouk lại đổi giọng điệu trong cuộc phỏng vấn sau đó với phương tiện truyền thông liên kết với Hamas: “Người châu Âu đã liên lạc với chúng tôi và yêu cầu chúng tôi ngừng bắn tên lửa tầm ngắn, nếu không họ sẽ không tham gia vào quá trình tái thiết Gaza. Tôi đã nói với họ rằng chúng tôi sẽ ngừng các tên lửa tầm ngắn của mình và thay vào đó sẽ sử dụng các tên lửa tầm xa”.

Thủ đô Jerusalem và trung tâm thương mại Tel Aviv đều là các mục tiêu của Hamas, cũng như các thị trấn và thành phố ở miền nam và miền trung. Israel đã đáp trả bằng cách tấn công các cứ điểm và trụ sở của Hamas, giết chết các chỉ huy cấp cao của tổ chức khủng bố này.

Tuy vậy, Israel tuyên bố sẽ không ngừng bắn và dự định tiếp tục tấn công các mục tiêu liên quan đến Hamas, Thánh chiến Hồi giáo và các nhóm khủng bố khác ở Dải Gaza để vừa răn đe vừa ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, đồng thời làm suy yếu đáng kể năng lực của các nhóm khủng bố.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết hôm thứ Tư: “Một giờ trước, chúng tôi đã ám sát các chỉ huy cấp cao trong tổng hành dinh của Hamas, bao gồm chỉ huy Thành phố Gaza và các chỉ huy khác. Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ giáng những đòn tấn công mà chúng chưa từng nghĩ tới”.

“Hiện tại vẫn chưa có ngày cụ thể để kết thúc tân công. Chỉ khi đạt được sự yên bình hoàn toàn, chúng ta mới có thể nói về sự bình tĩnh”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nói trong chuyến thị sát khu vực Ashkelon bị trúng tên lửa. 

“Chúng tôi sẽ không nghe những lời rao giảng đạo đức từ bất kỳ tổ chức hoặc cơ quan nào liên quan đến quyền và nghĩa vụ của chúng tôi trong việc bảo vệ công dân Israel,” ông tuyên bố.

Tính đến sáng thứ Tư, hơn 1.050 quả rocket và đạn cối đã được bắn từ Dải Gaza về phía Israel kể từ khi nổ ra giao tranh vào tối thứ Hai, theo Lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Quân đội cho biết khoảng 200 trong tổng số tên lửa không thể vượt qua biên giới và rơi xuống bên trong khu vực Gaza. Người phát ngôn IDF Zilberman cho biết hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel có tỷ lệ đánh chặn từ 85 đến 90% đối với các tên lửa hướng về khu vực đông dân cư.

Ít nhất 6 người ở Israel đã thiệt mạng – ba người vào thứ Tư và ba người vào thứ Ba – cùng hàng chục người khác bị thương trong các cuộc tấn công từ Gaza. Một số người bị thương nghiêm trọng, bao gồm một bé gái năm tuổi và một cậu bé sáu tuổi trong tình trạng nguy kịch. Một trong số những người thiệt mạng là một binh sĩ Israel sau khi Hamas bắn tên lửa chống tăng vào chiếc xe jeep mà anh đang ngồi ở biên giới Israel – Gaza.

Để đáp trả, IDF đã tiến hành các cuộc tấn công vào hơn 500 mục tiêu ở Dải Gaza, nhằm vào các thành viên, vũ khí và cơ sở hạ tầng của Hamas trên khắp khu vực này, với kế hoạch tấn công nhiều hơn trong những giờ và ngày tới, quân đội cho biết.

Những vụ tấn công của Israel nhắm mục tiêu vào các chỉ huy hàng đầu của Hamas và các chỉ huy nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine; đồng thời phá hủy một số tòa nhà cao tầng mà IDF cho rằng đã được các nhóm khủng bố sử dụng làm trung tâm chỉ huy, cơ sở tình báo và cơ sở nghiên cứu và phát triển vũ khí, cũng như cho các thành viên cấp cao của các nhóm khủng bố ở.

Theo Bộ Y tế của Hamas, 53 người Palestine đã chết kể từ đêm thứ Hai, trong đó có 14 trẻ em và 3 phụ nữ; và 320 người bị thương. 

Tuy nhiên, IDF cho rằng hơn một nửa trong số những người thiệt mạng là thành viên của các nhóm khủng bố tham gia vào cuộc giao tranh và số còn lại, bao gồm một số trẻ em, đã bị giết bởi các tên lửa do chính Hamas bắn từ Dải Gaza rơi xuống bên trong Dải, chứ không phải do Israel tấn công

Các cuộc tấn công bằng tên lửa ở Gaza diễn ra sau nhiều ngày xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel ở Đông Jerusalem tại khu vực Núi Đền. Hàng trăm người Palestine và hàng chục cảnh sát Israel đã bị thương.

Trong bối cảnh hỗn loạn ở Jerusalem và các cuộc đụng độ với Hamas, bạo loạn đã lan sang các cộng đồng Israel Ả Rập, đặc biệt là Lod, một thành phố có cả người Do Thái và Ả Rập.

Hamas, tổ chức thề sẽ tiêu diệt Nhà nước Israel, đã giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007 từ tay Chính quyền Palestine trong một cuộc đảo chính bạo lực. Kể từ đó, Israel đã áp đặt việc phong tỏa đối với khu vực này, cũng như kiểm soát chặt chẽ những gì có thể xâm nhập vào Dải, nói rằng điều đó là cần thiết để ngăn chặn các nhóm khủng bố buôn lậu vũ khí vào khu vực.

Israel đã tham gia ba chiến dịch lớn chống lại Hamas và các nhóm khủng bố khác ở Dải Gaza kể từ năm 2008, gần đây nhất là vào năm 2014 với cuộc chiến kéo dài 51 ngày được gọi là Chiến dịch Bảo vệ Rìa.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: