Kể từ năm ngoái, nhiều hành động của nước nhỏ Litva (Lithuania) ở Đông Âu đã “đánh thẳng vào mặt” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến Bắc Kinh tức giận. Xung đột giữa hai nước ngay lập tức thu hút sự chú ý của toàn cầu. Quan chức Litva nói với CNN, hy vọng việc đối kháng với ĐCSTQ có thể tạo tiền lệ trong Liên minh châu Âu (EU) chống lại các chế độ chuyên chính, từ đó khiến châu Âu có các biện pháp chống lại sự uy hiếp một cách hiệu quả hơn.

Embed from Getty Images

Ngày 11/3/2015. Người dân Litva tuần hành với cờ tổ quốc trong dịp kỷ niệm 25 năm độc lập khỏi Liên bang Xô viết. (Ảnh: Getty).

Những hành động nào của Litva đã chọc giận ĐCSTQ

Đầu tiên, vào tháng 5/2021, Litva tuyên bố sẽ rút khỏi khuôn khổ hợp tác “17 + 1” do ĐCSTQ khởi xướng. Litva nói rằng khuôn khổ hợp tác này tạo thành nhân tố gây chia rẽ EU, đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU khác tham gia vào khuôn khổ này rút ra.

“17 + 1” ban đầu là một diễn đàn do ĐCSTQ khởi xướng để đưa 17 quốc gia ở Đông và Trung Âu tiếp xúc với Trung Quốc. Đây là khuôn khổ quan trọng để ĐCSTQ phát huy ảnh hưởng của mình ở Trung và Đông Âu, nó bổ sung cho sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ. Bắc Kinh đương nhiên không hoan nghênh sự tẩy chay của châu Âu dưới bất kỳ hình thức nào.

Cũng trong tháng 5/2021, Quốc hội Litva đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu tán thành, thừa nhận tội ác “diệt chủng” của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; tháng 6/2021, Litva bất chấp áp lực của ĐCSTQ, đã tuyên bố rằng sẽ tặng cho Đài Loan 20.000 liều vắc-xin.

Tiếp đó, vào tháng 11/2021, Litva trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép Đài Loan đặt văn phòng đại diện tại nước này với danh nghĩa “Đài Loan”.

DL litva
Ông Eric Huang (thứ ba từ phải sang), người hiện là trưởng phái bộ của Đài Bắc tại nước láng giềng Latvia, được chỉ định là người đứng đầu của Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva. (Ảnh Twitter Bộ Ngoại giao Đài Loan).

Hàng loạt hành động này đã khiến ĐCSTQ tức giận. ĐCSTQ ngay lập tức hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và áp đặt các hạn chế thương mại nghiêm ngặt đối với Litva, bao gồm cả việc hải quan của ĐCSTQ từ chối thông quan hàng hóa Litva và gây áp lực lên các công ty EU yêu cầu hàng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc không chứa các thành linh phụ kiện của Litva.

Mục đích Litva lựa chọn đứng ra đối kháng với ĐCSTQ

Đối với Litva, lập trường cứng rắn này không chỉ là một sứ mệnh đạo đức. Trả lời phỏng vấn của truyền thông Mỹ CNN, quan chức Litva cho biết, thông qua việc chống lại ĐCSTQ, họ cũng hy vọng sẽ gửi một thông điệp tới Moscow.

Bà Velina Tchakarova, Giám đốc Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo, giải thích rằng Litva “đã phải chịu áp lực từ Nga kể từ khi gia nhập NATO. Litva muốn làm gương cho các nước thành viên châu Âu rằng không người dân nào sẽ khuất phục trước các chính quyền chuyên chế Bắc Kinh và Moscow”.

Quan chức Litva nói với CNN, họ hy vọng rằng việc đối kháng với ĐCSTQ có thể tạo tiền lệ trong EU phản kháng lại các chế độ độc tài. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Litva cho biết, kết quả cuối cùng sẽ khiến châu Âu phải thực hiện các biện pháp chống uy hiếp hiệu quả hơn.

Luật sư Trần Quang Thành, hiện đang ở Mỹ, cho rằng Litva có thể là chất xúc tác giúp các nước EU nhanh chóng nhận ra rằng họ đã tham gia một hiệp ước với ma quỷ, và có thể thu được một số lợi ích trước mắt vào thời điểm đó, nhưng về lâu dài mà nói thì là hậu họa vô cùng.

EU gần đây đã đề xuất một cơ chế pháp lý cho phép ứng phó với các đe dọa kinh tế một cách có tổ chức và thống nhất, đồng thời có phản ứng tương xứng với từng tình huống.

Bà Velina Tchakarova cho rằng bằng cách đưa chủ đề Trung Quốc vào cuộc tranh luận, Litva đang cố gắng củng cố vị thế của Mỹ ở châu Âu, đồng thời cũng cảnh báo EU và các nước thành viên lớn (Đức và Pháp) về những rủi ro và nguy hiểm tiềm tàng trong quan hệ song phương với Trung Quốc trong tương lai.

Cựu thủ tướng Litva: ĐCSTQ cần tiếp thu bài học

Litva cùng Latvia và Estonia ở phía bắc hay còn gọi là 3 nước vùng Baltic. Dân số Litva chưa tới 3 triệu người, có thể nói là một vùng đất nhỏ bé chật hẹp, nơi đây từng trải qua thời chủ nghĩa cộng sản. Năm 1989, Litva đã liên kết với các nước Baltic để tạo thành một chuỗi nhân lực gồm 2 triệu người để chiến đấu chống lại sự bá quyền của Liên Xô. Năm 1990, Litva trở thành quốc gia thành viên Liên Xô đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi Đảng Cộng sản cầm quyền ở Moscow. Sau đó, năm 2004, Litva gia nhập EU và NATO. Ngày nay Litva vừa là một quốc gia EU, vừa là một quốc gia thành viên NATO, lập trường phản đối chính quyền chuyên chế cộng sản của quốc gia này vượt xa nhiều nước lớn.

CNN cho biết, trong hoàn cảnh này, ĐCSTQ đã thể hiện sự hung hăng trong khu vực của mình, đặc biệt là việc đàn áp Đài Loan và sử dụng thương mại như một vũ khí đối phó với các nước nhỏ ở châu Âu. Điều này tự nhiên sẽ khiến cho những người nhớ về cuộc sống dưới sự cai trị của Liên Xô cảm thấy giật mình thức tỉnh. 

Ông Trần Quang Thành cũng từng chỉ ra, các nước Đông Âu đã bị tàn phá bởi đảng cộng sản trước đây, họ đều có cảm thụ nỗi đau của bản thân đối với sự tà ác của chế độ chuyên chế này, bao gồm cả Cộng hòa Séc từng có một thời gian xảy ra xung đột với ĐCSTQ. Những quốc gia này rất khác với những quốc gia chỉ biết chống cộng bằng lời nói. Ở một mức độ nào đó, tầng diện lý luận và tầng diện thực tiễn là khác nhau, sở dĩ các nước Đông Âu hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản như vậy là do có liên quan trực tiếp đến lịch sử.

Cựu Thủ tướng Litva, ông Andrius Kubilius bày tỏ quan điểm của mình trong một cuộc phỏng vấn với CNN. Ông cho rằng ĐCSTQ cần phải tiếp thu bài học, không thể vì có tiền thì có thể hành động không phù hợp “các giá trị và quy tắc của đất nước chúng tôi”. Nếu không, chủ nghĩa chống cộng của Litva có thể lan sang các quốc gia khác, và theo thời gian, châu Âu sẽ đoàn kết “chống lại một quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi”.

Một số người Litva cho rằng lập trường cứng rắn của họ đã có tác dụng. Các quan chức chỉ ra Pháp và các quốc gia khác của EU đều ủng hộ họ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh làm dịu tình hình.

Đầu tháng này, Slovenia thông báo họ cũng sẽ tìm cách tăng cường thương mại với Đài Loan. Một quan chức cấp cao của EU nói với CNN rằng lập trường của EU là Litva không vi phạm “chính sách một Trung Quốc”. Nếu ĐCSTQ tiếp tục có thái độ thù địch, thì ĐCSTQ cần cung cấp bằng chứng cho thấy chính sách này đã bị vi phạm. Các quan chức Litva coi hồi đáp của EU là một chiến thắng cho quốc gia này.

Vì Litva là một thành viên của EU, do đó việc Trung Quốc bắt nạt Litva cũng là một phép thử đối với nền kinh tế lớn hơn. EU cáo buộc Trung Quốc (ĐCSTQ) có các hành vi thương mại phân biệt đối xử với Litva, đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung của EU. Ngày 27/1, EU đã đệ đơn kiện ĐCSTQ về vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng cho biết Mỹ sẽ yêu cầu tham gia các thảo luận của WTO để lên tiếng ủng hộ Litva và EU. Bộ trưởng Thương mại Úc, ông Dan Tehan cho biết trong một tuyên bố rằng Úc có lợi ích thực chất trong tranh chấp và sẽ tìm cách tham gia các cuộc thảo luận.

CNN cho biết, vụ kiện lên WTO có thể chỉ là khởi đầu cho lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Trung Quốc. Dù vậy, vẫn có những dè dặt về việc liệu làm như vậy có khiến Chính phủ ĐCSTQ trả đũa dưới hình thức chiến tranh thương mại hay hủy bỏ các khoản đầu tư vào châu Âu hay không.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: