Bộ trưởng Giao thông vận tải Hoa Kỳ Pete Buttigieg hôm thứ Ba (27/9) đã kêu gọi ủng hộ Đài Loan tham gia cơ quan giám sát hàng không dân dụng của Liên Hợp Quốc. Điều này đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chính quyền Trung Quốc.

Embed from Getty Images

“Chúng tôi tin rằng tất cả các bên có liên quan đến hàng không dân dụng quốc tế – đặc biệt là những bên quản lý không phận quan trọng, như Đài Loan – nên có cơ hội tham gia một cách thiết thực vào công việc của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO),” ông Buttigieg phát biểu tại cuộc họp của ICAO được tổ chức ba năm một lần. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức này tiến hành hội nghị kể từ đại dịch COVID-19.

Một đại diện của chính quyền Trung Quốc tại ICAO phản hồi: “Bình luận của Mỹ dường như cố tạo ra hai Trung Quốc, một Trung Quốc và một Đài Loan. Điều này trái với hiến chương của Liên Hợp Quốc.”

Đầu tháng này, trong một bài báo đăng trên tờ The Diplomat, Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Đài Loan Wang Kwo-tsai đã kêu gọi thế giới ủng hộ đảo quốc này tham gia ICAO.

Ông lưu ý, Vùng Thông báo bay Đài Bắc của Đài Loan là một phần trong mạng lưới các khu vực của ICAO, và Cục Hàng không Dân dụng (CAA) Đài Loan là “cơ quan duy nhất giám sát và chịu trách nhiệm quản lý không lưu an toàn trong toàn bộ khu vực”.

Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết. 

Trong khi đó, Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Wang Kwo-tsai cho hay: “Trung Quốc đã đơn phương tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan trong một thời gian ngắn. Điều này ảnh hưởng đến các tuyến đường hàng không quốc tế và gây nguy hiểm cho an toàn hàng không ở khu vực Đài Bắc cùng các khu vực lân cận.”

“Trong nỗ lực ngăn chặn nguy hiểm và giảm bớt lo ngại về an toàn, CAA Đài Loan đã phải gấp rút lập kế hoạch và hướng dẫn các máy bay (bao gồm nhiều máy bay nước ngoài) khởi hành, bay đến hoặc quá cảnh khu vực Đài Bắc,” ông nói thêm.  “Tình trạng này khiến các hãng hàng không phải gánh thêm chi phí do họ phải thực hiện các hành trình dài hơn, đắt hơn và về cơ bản làm tăng rủi ro không lường trước được.”

Minh Ngọc (Theo Reuters)