Tại Quần đảo Solomon nhiều ngày qua đã nổ ra các cuộc biểu tình dữ dội, đập phá khu phố Tàu. Những người biểu tình quy nguyên nhân thực trạng xuất phát từ năm 2019 khi Chính phủ nước này quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thay vào quan hệ ngoại giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Được biết, Úc đã cử quân đến kiểm soát thủ đô nước này.

Embed from Getty Images

Bạo loạn ở Quần đảo Solomon. Hình ngày 26/11/2021, ngọn lửa cuồng nộ bốc lên từ dãy nhà ở khu phố Tàu của thủ đô Honiara – Solomon (CHARLEY PIRINGI / AFP/ Getty Images).

Ngày 26/11 nói với tờ Epoch Times, học giả Lin Ting-Hui của Đài Loan chuyên nghiên cứu Quần đảo Thái Bình Dương, đồng thời là Phó Tổng thư ký Hiệp hội Luật Quốc tế, cho biết: “Vụ việc của Solomon đáng được chú ý, có thể không phải vì việc cạnh tranh ngoại giao giữa ĐCSTQ và Đài Loan, mà là ảnh hưởng của Úc trong một thời gian của tương lai có trở lại vùng Melanesia hay không”.

Xung đột khốc liệt 3 ngày liên tiếp

Ngày 24/11, những người biểu tình đã tấn công Quốc hội ở thủ đô Honiara, đã phóng hỏa một đồn cảnh sát và các dãy nhà ở khu phố Tàu, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.

Ngày 25/11, thêm nhiều dãy nhà bị đốt phá. Theo Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia của Quần đảo Solomon (RSIPF), ngày hôm đó, khoảng 2.000 – 3.000 người biểu tình đã xuống đường, có 36 người đã bị bắt giữ.

Những người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Manasseh Sogavare từ chức. Ông Sogavare tuyên bố rằng tình trạng hỗn loạn và biểu tình các nơi đã đập tan đất nước, nhưng ông không chịu từ chức.

Ông yêu cầu Chính phủ Úc cử quân đội đến gìn giữ hòa bình, và họ cũng đã đến thủ đô của Solomon vào buổi tối.

Ngày 26/11, những người biểu tình cố gắng xông vào nhà riêng của ông Sogavare và phóng hỏa một tòa nhà phía sau nó.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ nêu rõ, họ hết sức quan tâm đến những diễn biến hiện nay ở quần đảo Solomon, họ lên án các hành động bạo lực phá hoại đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Embed from Getty Images

Người biểu tình không hài lòng với Thủ tướng Sogavare thân ĐCSTQ. Hình ảnh ngày 25/11/2021, khói dày đặc bốc lên từ các tòa nhà đang cháy ở thủ phủ Honiara của Solomon (ROBERT TAUPONGI/AFP/Getty Images).

Diễn biến thành xu thế bài Trung do bất bình với trung ương

Quần đảo Solomon bao gồm gần 1000 hòn đảo trên Thái Bình Dương, nằm cách Úc khoảng 1000 dặm về phía đông bắc, chuỗi đảo có dân số 650.000 người, chủ yếu là nông dân và ngư dân.

Theo hãng truyền thông Úc ABC, phần lớn những người biểu tình đến từ Malaita, tỉnh lớn nhất trong quần đảo Solomon. Năm 2019, sau khi ông Sogavare tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chính quyền tỉnh Malaita từ chối công nhận ĐCSTQ và quan hệ với chính quyền trung ương trở nên căng thẳng.

Chuyên gia Lin Ting-Hui cho biết: “Tỉnh Maraita là một tỉnh rất ủng hộ Đài Loan, vào năm 2019 sau khi chính quyền Sogavare thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (ĐCSTQ) thì người dân tỉnh Maraita đã nhiều lần biểu tình muốn chính quyền kịp thời điều chỉnh chính sách đối ngoại khôi phục quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thậm chí còn nhấn mạnh không ngần ngại tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan”.

Để trả đũa đường lối của tỉnh Malaita, trong 2 năm qua, Chính phủ Quần đảo Solomon đã cắt giảm mạnh ngân sách của tỉnh Malaita, điều này đã khiến người dân trong tỉnh ngày càng bất mãn, dẫn đến việc đốt nhà ở khu phố Tàu và các khu cư trú dành cho người Hoa Đại Lục.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng Truyền thông Phượng Hoàng (Phoenix) của Trung Quốc vào ngày 26/11, Phó chủ tịch của Hiệp hội Người Phúc Kiến của Quần đảo Solomon cho biết: “Tình hình vẫn tương đối nguy hiểm. Cho đến ngày hôm qua (25), cơ bản mọi cửa hàng ở khu phố Tàu đã bị đốt cháy. Cuộc bạo loạn này còn nghiêm trọng hơn bạo loạn vào năm 2006”.

Quan chức này nói rằng vào năm 2006 địa phương này có khoảng hơn 1000 người Hoa, bây giờ là hơn 2000. Hiện nay mọi người rút tới nhà bạn bè trên núi, không dám ở trong tiệm buôn bán.

Chuyên gia Lin Ting-Hui cho biết, sự kiện chống Trung Quốc ở các quốc đảo Thái Bình Dương không phải là hiếm: Trong xung đột ở Solomon vào tháng 4/2006 đã có số lượng lớn cửa hàng của người Trung Quốc bị đốt cháy; tháng 12 năm đó cũng nổ ra phong trào chống người Hoa ở Vương quốc Tonga; tại Papua New Guinea trong nhiều năm qua cũng đã chứng kiến ​​nhiều vụ bạo lực chống Trung Quốc.

Ông phân tích: “Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến vào khu vực này, họ nắm quyền kiểm soát nền kinh tế địa phương, người dân địa phương không cảm thấy lợi ích của việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trái lại (cảm thấy rằng ĐCSTQ) đã cướp đi một số lợi ích tài nguyên sống và điều kiện kinh tế của người dân địa phương, do đó đã gây ra một số sự kiện chống Trung Quốc”.

Embed from Getty Images

Ngày 26/11/2021, khu phố Tàu ở Honiara thuộc Quần đảo Solomon đã trải qua ngày thứ ba liên tiếp bị đốt phá (CHARLEY PIRINGI / AFP/Getty Images).

Úc cử cảnh sát và Lực lượng Phòng vệ giúp giữ trị an

Ngày 25/11 Thủ tướng Úc Morrison nêu rõ, theo lời mời của Thủ tướng Quần đảo Solomon, Úc cử cảnh sát và quân đội tới nước này để giúp duy trì trật tự. Nhưng điều này không hàm nghĩa là Úc đại diện lập trường chính trị nào.

Từ tối ngày 25 – 26, Lực lượng Phòng vệ Úc lần lượt điều động 3 chiếc máy bay vận chuyển hàng trăm cảnh sát liên bang và nhân viên quốc phòng đến Solomon giữ trật tự.

Chuyên gia Lin Ting-Hui tin rằng cuộc bạo động này đã một lần nữa thúc đẩy quân đội và cảnh sát Úc trở lại lãnh thổ của Solomon, đây là biện pháp quan trọng để duy trì sự ổn định trong khu vực: “Solomon không có quân đội, chỉ có cảnh sát, do trong quá khứ nước này từng có xung đột sắc tộc nghiêm trọng nên tất cả các sĩ quan cảnh sát được yêu cầu không trang bị súng và không được huấn luyện bắn súng. Không thể duy trì luật pháp và trật tự được nếu chỉ dựa vào cảnh sát nước này”.

Năm 2003, “Nhóm hỗ trợ thường trú nhân khu vực” (RAMSI) bao gồm Úc, New Zealand và các quốc đảo Thái Bình Dương khác đã đóng quân tại thủ đô Honiara vào tháng 7 để giúp duy trì trật tự, sau đó đã rút lui vào tháng 6/2017. 

Chuyên gia Lin Ting-Hui phân tích rằng trước đây mối quan hệ của Úc với ông Sogavare là rất xấu, ngoài ra quan hệ giữa Úc với một số nước ở vùng Melanesia (bao gồm Fiji, Quần đảo Solomon, và Papua New Guinea…) cũng không hài hòa. Chính phủ Morrison đã cố gắng sửa đổi các cách thức ngoại giao để các nước này không gần gũi ĐCSTQ nhằm đối phó với Úc nữa.

ĐCSTQ và Úc cạnh tranh ở Nam Thái Bình Dương

Thời gian qua, việc ĐCSTQ bành trướng thế lực tại các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương đã gây lo ngại.

Năm 2018, ông Tập Cận Bình đã gặp đại diện của Chính phủ Fiji để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược; các công ty do ĐCSTQ tài trợ khai thác mỏ ở Papua New Guinea; có thông tin cho rằng cảng của đảo quốc Vanadox sẽ được giao cho quân đội Trung Quốc; Solomon cũng bị lực lượng ĐCSTQ tiến vào sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Ông Lin Ting-Hui nói: “Quyền lực của Úc tiếp tục giảm, và Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục mạnh lên, điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với New Zealand và cửa ngõ của nước Úc”.

“Lần này tâm điểm chú ý là vấn đề ảnh hưởng trở lại của Úc đối với Solomon”. Còn liệu biến động này có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của chính quyền Solomon đối với Đài Loan hay không? Chuyên gia Lin Ting-Hui tin rằng ông Sogavare và người kế nhiệm của ông ta vẫn chưa sẵn sàng để điều chỉnh mối quan hệ với ĐCSTQ.

Theo Cao Tĩnh, Epoch Times

Xem thêm: