Chính quyền Quần đảo Solomon đã nói với Hoa Kỳ rằng họ sẽ áp đặt lệnh cấm các tàu hải quân Mỹ vào các cảng của họ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Canberra cho biết hôm thứ Ba (30/8).

Embed from Getty Images

Thông báo đưa ra sau một sự cố xảy ra vào thứ Ba tuần trước, khi tàu Tuần duyên Oliver Henry không thể vào Quần đảo Solomon để cập cảng định kỳ vì chính phủ nước này không phản hồi yêu cầu tiếp nhiên liệu.

Quần đảo Solomon có mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ kể từ khi đạt được một hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào đầu năm nay.

Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Vào ngày 29/8, Hoa Kỳ đã nhận được thông báo chính thức từ chính quyền Quần đảo Solomon về việc tạm hoãn tất cả các chuyến thăm của tàu hải quân.” 

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare trước đó đã phủ nhận thông tin về lệnh tạm hoãn và nói với Reuters rằng ông Sogavare sẽ có bài phát biểu vào chiều thứ Ba.

Ông Sogavare sẽ phát biểu chào mừng tàu bệnh viện của hải quân Hoa Kỳ – Mercy – đã đến Honiara vào thứ Hai để thực hiện nhiệm vụ kéo dài hai tuần.

Đại sứ quán cho biết tàu Mercy đã đến trước khi có lệnh cấm.

“Tàu Mercy của Hải quân Hoa Kỳ đã được thông quan ngoại giao trước khi lệnh cấm được thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”, đại sứ quán cho biết.

Tuần trước, tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ Oliver Henry đang tuần tra việc đánh bắt trái phép ở Nam Thái Bình Dương, và tàu này đã không vào được để tiếp nhiên liệu tại Honiara, thủ phủ của Quần đảo Solomon.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai nói rằng “việc thiếu giấy phép ngoại giao cho Oliver Henry là đáng tiếc”, và Hoa Kỳ hài lòng vì tàu bệnh viện Mercy đã nhận được giấy phép.

Sứ mệnh nhân đạo của tàu Mercy, cùng với các nhân viên từ Úc và Nhật Bản, sẽ bao gồm hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các dự án kỹ thuật và thảo luận về cứu trợ thảm họa.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết thật đáng tiếc khi “chúng tôi đã thấy người Trung Quốc cố gắng bắt nạt và ép buộc các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực hiện mệnh lệnh của họ để phục vụ lợi ích an ninh quốc gia ích kỷ của họ, chứ không phải là lợi ích rộng lớn hơn của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở “.

Tiến Minh (theo Reuters)