Các phương tiện truyền thông quốc gia đưa tin, lực lượng an ninh Myanmar đã bắn chết một người đàn ông ở thành phố Mandalay vào hôm thứ Hai. Diễn biến trên xảy ra chỉ hai ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cho biết họ đã đạt được sự đồng thuận với chính quyền về việc chấm dứt bạo lực.

Embed from Getty Images

Mặc dù ASEAN cho biết đã đạt được thỏa thuận với lãnh đạo chính quyền quân sự, nhưng tại Myanmar, các nhà hoạt động vẫn tiếp tục kêu gọi người dân ngừng thanh toán hóa đơn tiền điện và các khoản vay nông nghiệp, đồng thời cho con cái nghỉ học. Điều này đã làm tăng thêm nghi ngờ về nỗ lực của khối ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hậu đảo chính ở Myanmar.

Người đàn ông đã bị bắn chết tại một quán cơm chiên ở Mandalay vào cuối ngày thứ Hai, trong khi một số người khác bị thương, Reuters dẫn nguồn từ ba phương tiện truyền thông Myanmar đưa tin. Dịch vụ tin tức Mizzima cũng cho biết một phụ nữ đã bị bắn chết trên một chiếc xe máy ở thị trấn Dawei, miền nam nước này.

Phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Do việc truy cập Internet và hoạt động của các nhà báo bị hạn chế, Reuters chưa thể độc lập xác nhận được thông tin nói trên.

Nhóm giám sát hoạt động AAPP cho biết hơn 750 người đã bị lực lượng an ninh giết chết.

Nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước tiếp tục diễn ra vào thứ Hai, nhưng chưa có báo cáo về bạo lực.

Thống tướng Min Aung Hlaing đã đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Indonesia vào cuối tuần qua về các bước đi nhằm mang lại hòa bình.

Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội đã không đáp ứng lời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi. Sự “đồng thuận” với ASEAN cũng không có bất kỳ mốc thời gian nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Các nhà hoạt động đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận được đưa ra từ cuộc họp ASEAN.

Một tuyên bố nhân danh hơn 400 nhóm xã hội dân sự Myanmar cho biết: “Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự đồng thuận đã đạt được mà không có bất kỳ đại diện hợp pháp nào của người dân Myanmar”, đồng thời cho biết ASEAN nên thúc đẩy chính quyền quân đội chuyển giao quyền lực cho tổ chức Chính phủ Thống nhất quốc gia.

Quân đội chưa chính thức bình luận về kết quả của cuộc họp nhưng đài truyền hình nhà nước, trích dẫn hội đồng quân sự cầm quyền cho biết: “Một số dữ kiện từ ASEAN là những đóng góp tốt nên chúng tôi sẽ xem xét điều đó.”

áLê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm: