Quân đội Mỹ đã dừng lệnh rút hơn một phần tư lực lượng khỏi Đức do cựu TT Donald Trump ban hành. Đây từng là một quyết định gây tranh cãi của ông Trump khi Đức được coi là một đồng minh phương Tây quan trọng, tuy vậy các mâu thuẫn về chi tiêu quốc phòng và thương mại giữa hai bên đã thúc đẩy cựu TT đi tới quyết định trên.

Embed from Getty Images

Việc đóng băng lệnh rút 12.000 quân đã được Tướng Tod Wolters, chỉ huy tối cao của NATO ở châu Âu, tiết lộ bất ngờ trong khi trả lời câu hỏi của các nhà báo hôm 3/2. Ông cho biết việc rút quân sẽ được tạm dừng để cho phép Bộ trưởng Quốc phòng mới của Hoa Kỳ Lloyd Austin, thực hiện các đánh giá kỹ lưỡng và báo cáo cho ông Joe Biden.

Phát biểu tại trụ sở đồng minh ở Mons, Bỉ, Tướng Wolters cho biết mọi khả năng đều đang được xem xét: “Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc xem xét rất, rất kỹ lưỡng và ông ấy sẽ nhận được lời khuyên từ lãnh đạo bên dân sự và quân sự. Sau khi ông đã đã đối chiếu tất cả những lời tư vấn, ông ấy sẽ đưa chúng lên Tổng thống và Nhà trắng, và ông ấy sẽ đưa ra quyết định cho chúng tôi.” 

Ông Trump đã mô tả quyết định của mình là sự trừng phạt đối với việc Đức chi tiêu quốc phòng thấp. Nhiều người cho rằng đó là sự thể hiện sự tức giận của ông đối với Thủ tướng Đức, Angela Merkel, người đã nhiều lần thách thức ông về một số vấn đề.

Hồi tháng 6 năm ngoái, ông Trump thông báo ý định cắt 1/3 tổng số 36.000 quân đang đồn trú ở Đức sau khi chỉ trích Đức không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng của NATO và còn lợi dụng nước Mỹ về thương mại. 

“Chúng ta không muốn làm kẻ ngốc nữa”, ông Trump nói với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc khi thông qua quyết định. “Chúng tôi sẽ giảm quân số bởi vì họ không chịu chi trả hóa đơn của chính họ; đơn giản thế thôi”. 

Bộ Trưởng Quốc phòng khi đó Mark Esper nói rằng kế hoạch rút quân của Mỹ sẽ đảm bảo để không làm tổn hại đến NATO và nỗ lực đối trọng với sự can thiệp của Nga, bởi những rủi ro đặt ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. 

Theo ông Esper, một phần lính Mỹ sẽ được huy động tới đóng quân ở vùng Biển Đen và một phần khác có thể sẽ được đưa tới vùng Biển Baltic, tức là tới sát biên giới Nga. Một phần binh lính rời Đức sẽ tới đóng quân thường trực tại Ý và đại bản doanh quan Mỹ ở Châu Âu sẽ rời từ Stuttgart, Đức tới Bỉ. 

Tuy nhiên việc điều quân khỏi Đức cũng không phải dễ và có thể sớm xảy ra. Theo Reuters, giới chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chỉ có một phần nhỏ các đội tiên phong sẽ di chuyển trước, phần lớn còn lại sẽ phải mất nhiều năm để rút đi do phí tổn dự trù cho hoạt động này mất hàng tỷ USD. 

Ông Joe Biden vào thời điểm đó đã nói rằng nếu ông đắc cử Tổng thống, ông sẽ tái xét lại quyết định rút quân khỏi Đức của ông Trump.

Ngân Hà

Xem thêm: