Chính quyền Myanmar hôm thứ Bảy (8/5) đã tuyên bố rằng một nhóm các nhà lập pháp bị lật đổ đang điều hành một chính phủ dân sự song song giờ đây sẽ bị phân loại là “khủng bố”. Động thái này diễn ra khi quân đội tiến hành thắt chặt sự kìm kẹp của họ đối với đất nước vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn.

Embed from Getty Images

Kể từ khi quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, bắt giữ và lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, nhiều cuộc nổi dậy trên toàn quốc đã bùng nổ nhằm yêu cầu đưa đất nước trở lại nền dân chủ.

Những người biểu tình tiếp tục xuống đường hàng ngày, trong khi một cuộc đình công trên toàn quốc của sinh viên và giảng viên cũng như công chức trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã khiến Myanmar rơi vào tình trạng bế tắc.

Một nhóm các nhà lập pháp bị lật đổ, bao gồm nhiều người trước đây thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, đã thành lập “Chính phủ Thống nhất Quốc gia” (NUG) tồn tại song song với chính phủ quân sự, đồng thời tuyên bố rằng họ mới là tổ chức hợp pháp ở Myanmar.

Hôm thứ Tư, NUG thông báo thành lập “lực lượng phòng vệ nhân dân” (PDF) để bảo vệ dân thường khỏi bạo lực từ quân đội.

Vào tối thứ Bảy, truyền hình nhà nước thông báo rằng NUG, lực lượng phòng vệ nhân dân và một nhóm liên kết được gọi là Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) (tức Quốc hội Myanmar) được phân loại là “các tổ chức khủng bố”.

“Chúng tôi yêu cầu người dân không … ủng hộ các hành động khủng bố, viện trợ cho các hành động khủng bố đe dọa an ninh nhân dân từ CRPH, NUG và PDF”, bản tin buổi tối cho biết.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các vụ nổ bom lẻ tẻ diễn ra thường xuyên hơn trên khắp Myanmar, đặc biệt là ở trung tâm thương mại Yangon.

Trước đây, chính quyền đã tuyên bố CRPH và NUG là “các hiệp hội bất hợp pháp”, và nói rằng việc qua lại với những tổ chức này giống như tội phản quốc.

Tuy nhiên, việc chỉ định là “tổ chức khủng bố” mang ý nghĩa sâu rộng hơn, tức là bất kỳ ai trò chuyện với họ, kể cả các nhà báo, đều có thể bị buộc tội theo luật chống khủng bố.

Hàng chục nhà báo đã bị bắt sau cuộc đảo chính, trong khi các phương tiện truyền thông khác bị đóng cửa và một số đài truyền hình bị bị thu hồi giấy phép phát sóng, khiến người dân rơi vào tình trạng mất thông tin.

Nhưng những nỗ lực của chế độ quân sự nhằm trấn áp phong trào chống đảo chính đã gây ra cái chết cho hơn 770 dân thường kể từ ngày 1/2, theo nhóm giám sát địa phương AAPP.

Lê Xuân (theo AFP)

Xem thêm: