Nhà cầm quyền quân sự của Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing hôm Chủ nhật (1/8) một lần nữa hứa hẹn sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới và cho biết chính phủ của ông sẵn sàng làm việc với bất kỳ đặc phái viên nào do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ định.

Embed from Getty Images

Ông cũng cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ vào tháng 8 năm 2023, kéo dài thời hạn ban đầu mà quân đội đưa ra khi họ hạ bệ bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1 tháng 2.

Phát biểu của tướng Min trên truyền hình diễn ra sáu tháng sau khi quân đội giành chính quyền từ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

Quân đội cho rằng đảng cầm quyền đã gian lận trong cuộc bầu cử, dù Ủy ban bầu cử quốc gia đã bác bỏ cáo buộc này.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ hoàn thành các quy định về tình trạng khẩn cấp vào tháng 8 năm 2023… Tôi cam kết sẽ tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng không xảy ra gian lận.”

Tuyên bố của vị tướng sẽ đặt Myanmar vào vòng kiềm tỏa của quân đội trong gần hai năm rưỡi thay vì mốc thời gian một năm ban đầu mà chính quyền đã công bố vài ngày sau cuộc đảo chính.

“Myanmar sẵn sàng làm việc về hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm đối thoại với Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar”, tướng Min Aung Hlaing nói thêm.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ gặp nhau vào thứ Hai (2/8), với một trong các mục tiêu của cuộc họp là chỉ định một đặc phái viên có nhiệm vụ chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và những người phản đối.

Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các nước khác đã xác định ASEAN là tổ chức phù hợp nhất để dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục sự ổn định ở Myanmar.

Quốc gia Đông Nam Á này đã bị chia rẽ và chìm trong khủng hoảng bởi các cuộc xung đột giữa quân đội, người biểu tình và các tổ chức vũ trang thiểu số. Hàng trăm người đã tử vong, kinh tế đình trệ, di cư tị nạn tăng mạnh, cũng như con số nhiễm virus corona tiếp tục đi lên đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trong tháng qua.

Việc tìm kiếm một đặc phái viên bắt đầu vào tháng 4, khi các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra “đồng thuận 5 điểm” để giải quyết tình trạng hỗn loạn ở Myanmar. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quân đội Myanmar đã từ chối thực hiện đồng thuận này.

Lê Vy

Xem thêm: