Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu, Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun đã kêu gọi Liên Hợp Quốc sử dụng ‘bất kỳ phương tiện nào cần thiết’ để ngăn chặn cuộc đảo chính quân sự tại đất nước của ông.

Screen Shot 2021 02 28 at 10.19.38 AM e1614482444291
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun (Ảnh chụp màn hình)

Ngay sau bài phát biểu, truyền hình nhà nước Myanmar đã lập tức đưa tin vào hôm thứ Bảy (27/2) rằng Đại sứ của Myanmar tại Liên Hợp Quốc đã bị sa thải.

Quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào khủng hoảng kể từ đầu tháng 2 khi quân đội lên nắm chính quyền và bắt giữ nhà lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi cùng phần lớn các lãnh đạo trong đảng của bà. Quân đội đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái là gian lận, trong khi Ủy ban bầu cử khẳng định cuộc bỏ phiếu đã diễn ra công bằng.

Hôm 26/2, Đại sứ Kyaw Moe Tun đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng ông đang phát biểu thay mặt chính phủ của bà Aung San Suu Kyi.

“Chúng tôi cần cộng đồng quốc tế phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar,” ông nói.

Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cho biết Đại sứ đã “phản bội đất nước; phát biểu cho một tổ chức không chính thức và không đại diện cho đất nước; đồng thời đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một Đại sứ”.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Myanmar Tom Andrews cho biết vào đầu ngày thứ Bảy rằng ông rất thán phục “hành động dũng cảm” của Đại sứ, nói thêm trên Twitter, “Đã đến lúc thế giới phải trả lời lời kêu gọi can đảm đó bằng hành động.”

Tuy vậy, Đặc phái viên của Trung Quốc không chỉ trích cuộc đảo chính và nói rằng đó là chuyện nội bộ của Myanmar, và rằng Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực ngoại giao của các nước Đông Nam Á để tìm giải pháp.

Từ trước đến nay, các tướng lĩnh quân đội Myanmar thường không e ngại trước các áp lực ngoại giao quốc tế. Công ty dầu khí Úc Woodside Petroleum Ltd cho biết họ đang cắt giảm sự hiện diện của mình tại Myanmar do lo ngại về vi phạm nhân quyền và bạo lực.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho hay động thái sa thải Đại sứ của quân đội Myanmar không phải một sớm một chiều có thể giải quyết xong tại Liên Hợp Quốc, mà nó có thể kéo dài rất lâu.

“Nếu ông ấy nói rằng ông ấy vẫn sẽ ở lại [New York] và vẫn là đại diện hợp pháp của chính phủ thực sự ở Myanmar – tức các nhà lãnh đạo hiện đang ngồi tù – thì điều này sẽ dẫn đến một thủ tục phức tạp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được gọi là Ủy ban Quốc thư (Credentials Committee),” tờ Aljazeera nhận định.

“Hiện tại Ủy ban này có Mỹ, Nga và Trung Quốc trong số các thành viên, và họ sẽ phải quyết định xem phải làm gì.”

Xuân Lan

Xem thêm: