Theo các nhà hoạt động, quân đội Myanmar đang tính phí 85 đô la đối với các gia đình muốn lấy lại thi thể của người thân bị lực lượng an ninh giết chết trong một cuộc đàn áp đẫm máu hôm thứ Sáu (9/4).

Embed from Getty Images

Hiệp hội Hỗ trợ cho Tù nhân chính trị (AAPP), một tổ chức vận động, cho biết ít nhất 82 người đã bị giết hôm thứ Sáu (9/4) tại thành phố Bago, cách Yangon khoảng 90km về phía Đông Bắc, sau khi thành phố này bị lực lượng an ninh của quân đội “đột kích”.

Theo AAPP, hơn 700 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 1/2 để lật đổ chính phủ được bầu chính thức của Myanmar. Kể từ đó, các lực lượng an ninh của quân đội bao gồm cảnh sát, binh lính và lực lượng tinh nhuệ chống chiến tranh du kích đã tham gia vào một cuộc đàn áp có tính hệ thống chống lại những người biểu tình ôn hòa không vũ trang, đang giam giữ khoảng 3.000 người và buộc các nhà hoạt động phải lẩn trốn.

AAPP cho biết hôm thứ Sáu (9/4), quân đội Myanmar đã bắn vào những người biểu tình chống đảo chính ở thành phố Bago bằng súng trường tấn công, súng phóng lựu (RPG) và lựu đạn cầm tay.

Một nhân chứng sống tại thành phố Bago (ẩn danh vì lý do an toàn), nói với CNN hôm Chủ nhật (11/9) rằng nhiều cư dân đã chạy trốn đến các ngôi làng gần đó kể từ cuộc đột kích của quân đội hôm 9/4. Nhân chứng này cho biết Internet trong khu vực đã bị cắt kể từ ngày hôm đó và các lực lượng an ninh đang tìm kiếm những người biểu tình trong các khu vực lân cận.

Nhân chứng này nói với CNN: “Tôi đang sống tại một trục đường chính. Nhưng lực lượng an ninh đến và đóng quân thường xuyên.” Tuy nhiên, do bị đe dọa và chứng kiến cảnh thi thể chất đống tại nhà xác sau vụ xả súng, “chúng tôi phải chuyển vào một ngôi nhà trong ngõ gần đó”.

Theo một bài đăng trên Facebook của Hội Sinh viên Đại học Bago, quân đội hiện đang tính phí 120.000 kyat Myanmar (85 USD) đối với các gia đình muốn lấy thi thể của người thân bị giết hôm 9/4. Tin tức từ Bộ phận tiếng Miến Điện của Đài Á châu Tự do cũng trùng khớp với báo cáo của Hội Sinh viên Đại học Bago. 

Theo tờ báo nhà nước Global New Light của Myanmar, quân đội Myanmar tuyên bố ngày 9/4 rằng lực lượng của họ đã bị những người biểu tình tấn công tại Bago.

Tờ Global New Light của Myanmar đưa tin: “Ngày hôm qua, lực lượng an ninh đã bị những nhóm bạo loạn tấn công trong khi tiến hành dỡ bỏ các rào chắn đường do những kẻ bạo loạn lắp đặt dày đặc trên các đường phố tại Bago.” Tờ báo còn cho biết thêm: “Những kẻ bạo loạn đã sử dụng súng thủ công, chai xăng, mũi tên, khiên thủ công và lựu đạn để tấn công lực lượng an ninh.”

Tờ báo này cho biết một người biểu tình đã thiệt mạng trong vụ việc hôm 9/4, “Lựu đạn và đạn dược bị tịch thu là bằng chứng cho thấy vũ khí nhỏ đã được sử dụng.”

Ngày 11/4, Hội Chữ thập Đỏ xác nhận với CNN rằng quân đội Myanmar đã bắt giữ một bác sĩ tình nguyện của tổ chức này ở Bago vào ngày 2/4. Hội Chữ thập Đỏ cho biết tình nguyện viên Nay Myo, cũng là chủ tịch của Hội Chữ thập Đỏ tại Bago, chưa bị buộc tội, nhưng vẫn bị giam giữ.

Một bác sĩ tình nguyện khác cung cấp hỗ trợ y tế miễn phí tại hiện trường, ông Wai Yan Myo Lwin, cũng đã bị bắt giữ tại Bago vào ngày 11/4. Gia đình của ông đã xác nhận vụ việc với CNN.

Quốc tế  kịch liệt phản đối bạo lực

Trong ngày 11/4, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Myanmar đã kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Đại sứ quán cho biết trong một bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức của mình: “Chúng tôi tiếc thương những người đã mất mát vô nghĩa tại Bago và trên khắp đất nước này nơi lực lượng [an ninh] của chế độ [quân sự] được cho là đã dùng vũ khí chiến tranh chống lại dân thường.”

Bài đăng cho biết thêm: “Chế độ [quân sự] có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng và cần phải bắt đầu bằng việc chấm dứt bạo lực và các cuộc tấn công.”

Trước đó, ngày 8/4 Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ, đã công bố một lá thư thúc giục Liên minh châu Âu “thực hiện đầy đủ” các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar và “khẩn trương áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung.”

Bức thư viết: “Người dân Myanmar biết rằng họ phải đối mặt với làn đạn của quân đội, nhưng họ đã can đảm tiếp tục cuộc đấu tranh của mình không ngừng nghỉ. Việc lên án của EU [đối với quân đội Myanmar] và những nỗ lực thúc đẩy việc giải trình trách nhiệm và công lý đối với các hành vi lạm dụng nghiêm trọng, phổ biến, và có tính hệ thống của chính quyền quân sự [Myanmar] là đáng hoan nghênh và quan trọng, nhưng lời nói và những bước đi từng phần là không đủ.”

Tuy nhiên, theo tờ Global New Light của Myanmar, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã bảo vệ cuộc đảo chính vào cuối tuần qua, tuyên bố rằng quân đội “không nắm quyền mà chỉ thực hiện các biện pháp để củng cố hệ thống dân chủ đa đảng.”

Phát ngôn viên quân đội Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun trước đó nói với CNN rằng các tướng lĩnh chỉ đang “bảo vệ” đất nước trong khi họ điều tra một cuộc bầu cử “gian lận”, và việc đổ máu trên đường phố là lỗi của những người biểu tình “bạo loạn”.

Gia Huy (Theo CNN)

Xem thêm: