Chính quyền quân sự Myanmar hôm thứ Sáu (9/4) đã từ chối cho phép một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đến thăm nước này trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hậu đảo chính.

Embed from Getty Images

Đặc phái viên của LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, đang có chuyến công du các nước châu Á nhằm tìm cách giải quyết vấn đề khủng hoảng đang bao trùm đất nước.

Bà Burgener đến Thái Lan đầu tiên và dự tính cũng sẽ đến thăm Trung Quốc, mặc dù thông tin chi tiết và thời gian chính xác cho chuyến đi này vẫn chưa được xác nhận.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết bà Burgener muốn đến Myanmar để gặp trực tiếp các tướng lĩnh, nhưng phát ngôn viên của quân đội đã từ chối đề nghị này.

“Chúng tôi không cho phép điều này. Chúng tôi cũng không có kế hoạch cho phép việc này xảy ra trong thời điểm hiện tại”, phát ngôn viên Zaw Min Tun nói với AFP.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), tính đến hết ngày 8/4, ít nhất 614 dân thường đã thiệt mạng trong chiến dịch trấn áp biểu tình của quân đội và gần 3.000 người bị bắt.

Hôm thứ Sáu (9/4), các nhân viên cứu hộ báo cáo ít nhất 4 người thiệt mạng vào sáng sớm khi lực lượng an ninh phá bỏ các rào cản của người biểu tình ở thành phố Bago, cách Yangon 65 km về phía đông bắc.

Báo chí địa phương cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày, và số người chết có thể cao hơn.

Các quan chức của Liên Hợp Quốc cho biết quân đội đang sử dụng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng, bao gồm lựu đạn phóng và lựu đạn phân mảnh, súng máy hạng nặng và lính bắn tỉa.

Quân đội khẳng định họ đang phản ứng tương xứng đối với “những người biểu tình bạo lực”.

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Naypyidaw, các sĩ quan đã trưng bày những khẩu súng mà họ nói là thu giữ được từ những người biểu tình.

Phong trào phản đối đã tìm cách làm gián đoạn việc điều hành đất nước của quân đội bằng cách khuyến khích các nhân viên công ích chủ chốt như bác sĩ và nhân viên đường sắt ở nhà.

Zaw Min Tun, người phát ngôn quân đội, cáo buộc các nhân viên y tế là kẻ “giết người máu lạnh” khi từ chối làm việc.

Ông nói với các phóng viên: “Bây giờ, các bệnh viện công không thể hoạt động vì nhân viên y tế đang vi phạm y đức của họ.”

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết bà Burgener muốn đối thoại với chính quyền để giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở Myanmar.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN về Myanmar dự kiến ​​diễn ra vào cuối tháng, nhưng các nhà ngoại giao nói rằng khối này đang chia rẽ sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Một nhà ngoại giao cho biết những nước như  Thái Lan, Lào và Campuchia coi đó là “vấn đề chính trị nội bộ” của Myanmar; chỉ có Singapore, Malaysia và Indonesia tỏ ra tích cực hơn trong ASEAN.

Ngoài ra, có báo cáo rằng Trung Quốc đã liên hệ với CRPH, một nhóm đại diện cho chính phủ dân sự bị lật đổ.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã tiếp xúc với “tất cả các bên”.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp không chính thức vào thứ Sáu (giờ Mỹ) để nghe ý kiến ​​từ nhà lập pháp Myanmar Zin Mar Aung – người đại diện cho CRPH.

Đầu tuần này, CRPH, cho biết họ đã thu thập được gần 300.000 bằng chứng cho thấy các hành vi vi phạm của quân đội. Nhóm đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Cơ chế Điều tra Độc lập của LHQ về Myanmar.

Hiện chính quyền quân sự đang đẩy mạnh việc cắt đứt thông tin liên lạc, kiểm soát dữ liệu di động và tắt internet hàng đêm, đồng thời đột kích các tòa soạn và bắt giữ các nhà báo.

Lê Xuân (theo CNA)

Xem thêm: