Chính phủ quân sự Myanmar hôm thứ Tư (31/3) thông báo rằng họ sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài một tháng để “giảng hòa” với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số.  

Embed from Getty Images

Tuy vậy, lệnh ngừng bắn này không áp dụng đối với người biểu tình, khi chính phủ quân sự vẫn nhấn mạnh sẽ không có ngoại lệ đối với “các hành động làm gián đoạn hoạt động an ninh và hành chính của chính phủ”, đề cập đến phong trào quần chúng đã tổ chức các cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc từ đầu tháng Hai.

Thông báo này được đưa ra sau một loạt cuộc giao tranh với ít nhất hai trong số các tổ chức du kích dân tộc thiểu số tại các khu vực dọc theo biên giới.

Tại Myanmar, trong nhiều thập kỷ, hơn một chục nhóm như vậy đã luôn xung đột với chính quyền trung ương nhằm tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn, đôi khi thông qua đấu tranh vũ trang. Ngay cả trong thời bình, mối quan hệ vẫn căng thẳng và những lệnh ngừng bắn được các bên ký kết vẫn ở trạng thái hết sức mong manh.

Phong trào chống lại cuộc đảo chính ngày 1/2 tập trung vào bất tuân dân sự, kêu gọi nhân viên trong khu vực công và tư ngừng làm việc hỗ trợ bộ máy quản lý.

Phong trào cũng cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số để tăng cường sức ép lên chính phủ quân sự, muốn thành lập cái gọi là quân đội liên bang như một đối trọng với lực lượng vũ trang của chính phủ.

Phần lớn những người biểu tình ôn hòa ở các thành phố và thị trấn của Myanmar đã phải đối mặt với cảnh sát và binh lính được trang bị vũ khí. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar (AAPP), tính đến hết ngày thứ Tư, ít nhất 536 thường dân ​​đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, trong khi con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Trước tuyên bố ngừng bắn của chính phủ quân sự, các lực lượng dân tộc thiểu số đến nay chưa có phản hồi.

Một số nhóm chính – bao gồm người Kachin ở phía bắc, người Karen ở phía đông và Quân đội Arakan của Rakhines ở phía tây Myanmar – đã công khai lên án cuộc đảo chính và nói rằng họ sẽ bảo vệ những người biểu tình trên lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Quân đội Độc lập Kachin, cánh vũ trang của Tổ chức Độc lập Kachin, đã tấn công một đồn cảnh sát ở thị trấn Shwegu của bang Kachin trước rạng sáng thứ Tư, theo các hãng tin địa phương. Những người tấn công được cho là đã thu giữ vũ khí, vật dụng và làm bị thương một cảnh sát.

Nhóm Kachin đã tổ chức một loạt các cuộc tấn công vào lực lượng chính phủ trên lãnh thổ của họ kể từ cuộc đảo chính, nói rằng đợt giao tranh mới nhất được kích hoạt bởi các cuộc tấn công của chính phủ vào bốn tiền đồn của Kachin. Sau một cuộc tấn công Kachin vào giữa tháng 3, quân đội đã trả đũa bằng một cuộc tấn công bằng trực thăng vào căn cứ Kachin.

Cuộc tấn công Kachin hôm thứ Tư diễn ra sau cuộc xung đột mới ở miền đông Myanmar, nơi quân du kích Karen chiếm giữ một tiền đồn của quân đội vào thứ Bảy. Quân đội Myanmar sau đó đã thực hiện các cuộc không kích từ đó đến thứ Tư, giết chết ít nhất 13 dân làng và khiến hàng nghìn người khác phải vượt biên giới sang Thái Lan tị nạn, theo Free Burma Rangers, một nhóm nhân đạo được thành lập cung cấp hỗ trợ y tế cho dân làng trong khu vực.

Sau các cuộc không kích, Liên minh Quốc gia Karen (KNU) đã đưa ra tuyên bố rằng quân đội Myanmar “đang tiến vào lãnh thổ của chúng tôi từ mọi mặt trận” và họ có thể sẽ đáp trả. KNU là cơ quan chính trị chính đại diện cho dân tộc thiểu số Karen.

Trong phiên họp kín của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã được tổ chức khẩn cấp hôm 31/3 tại New York, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener đề nghị Hội đồng Bảo an phải xem xét tất cả các công cụ hiện có để thực hiện hành động chung và “làm những gì đúng, những gì người dân Myanmar xứng đáng được nhận và ngăn chặn thảm họa đa chiều ở trung tâm châu Á này.”

Hội đồng phải xem xét đưa ra những “hành động trọng yếu” để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì “một cuộc tắm máu sắp xảy ra,” bà Schraner Burgener nhấn mạnh.

Bà Burgener nói: “Sự tàn ác của quân đội là quá nghiêm trọng và nhiều người (các chiến binh dân tộc có vũ trang) đang có quan điểm chống đối rõ ràng, làm tăng khả năng xảy ra nội chiến ở quy mô chưa từng có.” 

“Việc không ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của các hành động tàn bạo sẽ khiến thế giới phải trả giá đắt hơn rất nhiều trong dài hạn so với việc tập trung ngay bây giờ vào việc phòng ngừa, đặc biệt là đối với các nước láng giềng của Myanmar và khu vực rộng lớn hơn.”

Tuy vậy, trong cuộc họp, Trung Quốc cho biết họ mong muốn có một “quá trình chuyển đổi dân chủ” ở Myanmar, nhưng bác bỏ các biện pháp trừng phạt chính quyền quân sự, nói rằng “các biện pháp cưỡng chế khác sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng và đối đầu, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình.”

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: