Tại Bắc Kinh – Trung Quốc vào thứ Hai (8/5), Ngoại trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tần Cương đã gặp Đại sứ Burns của Mỹ tại Trung Quốc. Đây là một trong những cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ tháng 2 khi quan hệ hai bên trở nên xấu đi sau sự cố khinh khí cầu gián điệp.

Tan Cuong va Burns
Tại Bắc Kinh ngày 8/5/2023, Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương (phải) gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Burns (trái) (Ảnh: Getty Images/Epoch Times)

Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, ông Tần Cương nói với ông Burns rằng quan hệ Mỹ – Trung đang đối mặt với tình trạng băng giá, ưu tiên hàng đầu là “ổn định quan hệ Mỹ – Trung, tránh tình trạng xấu thêm và xảy ra vấn đề không lường trước”.

Trong một tweet, ông Burns đã xác nhận: “Chúng tôi đã thảo luận về những thách thức trong mối quan hệ Mỹ-Trung và nhu cầu ổn định mối quan hệ cũng như mở rộng liên lạc cấp cao”.

Trong một sự kiện video vào tuần trước, ông Burns cho biết Mỹ và Trung Quốc cần “các kênh liên lạc sâu hơn” và Washington “sẵn sàng đối thoại”.

Trước đây khi điều trần tại Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 2, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger đã cảnh báo về liên lạc cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói rằng Mỹ duy trì các kênh cấp cao cởi mở với ĐCSTQ, nhưng không được tự lừa dối mình rằng “Bắc Kinh tìm kiếm hợp tác với Washington vì quan tâm đến điều lớn hơn là vấn đề lợi ích toàn cầu”. Ông Pottinger nói rằng trong thời gian làm việc trong chính quyền thời ông Trump, kinh nghiệm mà ông đúc kết được từ những cuộc tiếp xúc với phía ĐCSTQ là “Bắc Kinh coi mong muốn hợp tác của Mỹ như đòn bẩy” để từ đó Bắc Kinh có thể đạt được các lợi thế thương lượng để Mỹ nhượng bộ.

Quan hệ Mỹ – Trung xấu đi sau sự cố khinh khí cầu gián điệp

Sau cuộc gặp giữa nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, giới phân tích vốn cho rằng căng thẳng giữa hai nước sẽ hạ nhiệt vào năm 2023, nhưng thực tế ngược lại khi liên tục xảy ra những vấn đề dậy sóng công luận. Đầu tháng 2, Lầu Năm Góc tuyên bố phát hiện một khinh khí cầu do thám Trung Quốc trong không phận Mỹ, sau đó cho bắn hạ. ĐCSTQ cho rằng thiết bị này là khí cầu dùng trong hoạt động khí tượng và cáo buộc Mỹ phản ứng thái quá.

Vụ khinh khí cầu gián điệp vẫn chưa lắng xuống, lại đến chuyện Ngoại trưởng Mỹ Blinken vào giữa tháng 2 cho biết, thông tin tình báo Mỹ cho thấy ĐCSTQ đang cân nhắc cung cấp hỗ trợ Nga vũ khí sát thương và đạn dược. Tuyên bố từ Mỹ lại khiến ĐCSTQ phản ứng giận dữ.

Tiếp theo lại đến sự kiện Bộ Năng lượng Mỹ kết luận rằng đại dịch COVID-19 rất có thể là do rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc. Cáo buộc này đã khiến một lần nữa ĐCSTQ nhảy dựng lên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ bôi nhọ Trung Quốc.

Trong 3 tháng sau đó, ĐCSTQ đã đẩy mạnh luận điệu chống Mỹ và cố gắng gieo rắc bất hòa giữa Mỹ và châu Âu.

Trong cuộc gặp với ông Burns hôm 8/5, ông Tần Cương một lần nữa trong tư thế “ngoại giao sói chiến”, yêu cầu Mỹ ngừng hỗ trợ Đài Loan và tôn trọng giới hạn đỏ của Trung Quốc.

Vào tháng Tư, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy ở California, sự kiện lại một lần nữa khiến Bắc Kinh tức giận. Ngay lập tức ĐCSTQ phát động tập trận quân sự trả đũa xung quanh Đài Loan, phía Mỹ lên án động thái của Trung Quốc.

Tín hiệu tích cực?

Trong bối cảnh liên lạc rất hạn chế gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng ĐCSTQ và Đại sứ Mỹ lần này có thể được coi là dấu hiệu của sự tiến bộ trong liên lạc giữa hai nước. Mặc dù ông Burns đã gặp ông Tần Cương trước đó, nhưng đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai người kể từ khi ông Tần Cương trở thành Ngoại trưởng của ĐCSTQ.

“Cuộc gặp của họ là dấu hiệu tích cực”, New York Times dẫn lời ông Paul Haenle, người từng phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng.

Nói với Đài Á châu Tự do (RFA), nhà nghiên cứu Ngô Sắt Chí (Wu Se-Chih) tại Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển Đài Loan cho biết rằng Mỹ chưa bao giờ từ bỏ việc xây dựng lại kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, hy vọng Bắc Kinh sẽ dừng đánh giá sai tình hình. Lần này ông Tần Cương cho rằng quan hệ Mỹ – Trung không thể tiếp tục xấu đi, điều này cũng phù hợp với những nhận định trước đây, thực tế có thể thấy Trung Quốc đang chịu sức ép trước chiến lược ngăn chặn hiện nay của Mỹ nên cũng muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.

Chuyên gia Đài Loan này nói cụ thể những vấn đề áp lực rất lớn mà phía Trung Quốc đang gặp phải từ Mỹ là: Vấn đề thương mại xuất nhập khẩu, vấn đề hạn chế trao đổi trong ngành công nghiệp bán dẫn và chip, gần đây Tổng thống Biden đã tuyên bố ý định hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào các ngành AI liên quan Trung Quốc…  Xét cho cùng, trong quá trình phát triển kinh tế, Trung Quốc thực sự phụ thuộc vào vốn và công nghệ nước ngoài, phần phụ thuộc này thực sự rất cao.

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ thông báo ông Tần Cương sẽ đi thăm Đức, Pháp và Na Uy từ ngày 8 -12/5.