Viện Khổng Tử với nền tảng chính trị vững chắc đã gặp phải một mùa đông lạnh giá ở châu Âu, và việc dạy Hoa ngữ của Đài Loan đang phát triển mạnh ở khu vực này. Cách đây vài ngày, hơn 20 thành viên liên đảng của Quốc hội Anh đã ủng hộ việc sửa đổi luật, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học của Anh hợp tác với Viện Khổng Tử phải tiết lộ các dòng tài chính và hoạt động kinh doanh có liên quan, đồng thời ủy quyền cho các cơ quan chính phủ yêu cầu chấm dứt hợp tác với các Viện Khổng Tử hoặc chọn đơn vị hợp tác thay thế.

Vương quốc Anh thúc đẩy sửa luật đóng cửa ‘Viện Khổng Tử’

Chính phủ Anh đã giới thiệu “Dự luật (Tự do ngôn luận) trong giáo dục bậc cao” (Higher Education (Freedom of Speech) Bill) tại Quốc hội vào năm ngoái cho kỳ họp 2021- 2022 nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong các trường đại học.

Ngày 10/6, Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan đưa tin: Bà Alicia Kearns – thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, cùng các nghị sĩ khác đã liên tiếp đưa ra đề xuất sửa đổi dự luật.

Đề xuất của bà Keynes được sự ủng hộ của một số nghị sĩ liên ủy ban có ảnh hưởng trong chính trường Anh, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Tom Tugendhat và thành viên của ủy ban này là ông Chris Bryant, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ ông Iain Duncan Smith, ông Damian Green, v.v.

Vì cơ quan chính phủ có thẩm quyền có thể “trao đổi” với các nhà lập pháp về nội dung của sửa đổi và các thủ tục xử lý của quốc hội, do dó, liệu đề xuất của bà Keynes có thể được đệ trình thành công cho cuộc tranh luận biểu quyết vào thứ Hai tới hay không vẫn còn nhiều biến số.

Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Anh, chỉ ra rằng ĐCSTQ gây áp lực lên những người dám bày tỏ ý kiến ​​của mình; Vương quốc Anh không nên dựa vào các quốc gia độc tài để dạy ngôn ngữ của mình (ngôn ngữ Trung Quốc).

Ngoài ra, trong những năm gần đây, ĐCSTQ ngày càng có thái độ mạnh mẽ đối với cách cộng đồng quốc tế thảo luận và trình bày về Trung Quốc, bao gồm việc áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm ngoái đối với một học giả người Anh lo ngại về tình hình nhân quyền ở Tân Cương; các sự kiện giám sát, đe dọa và quấy rối trong khuôn viên trường liên tiếp lan truyền ra ngoài, các trường đại học và cao đẳng của Anh đã tránh các chương trình học hoặc tránh để lại “bằng chứng” như ghi âm hoặc ghi hình, chữ viết, để đề phòng giáo viên và học sinh bị chính quyền Bắc Kinh hoặc Hồng Kông dùng “Luật An ninh Quốc gia” truy tố.

“Nhóm nghiên cứu Trung Quốc” (China Research Group) của Vương quốc Anh gần đây đã công bố một báo cáo nghiên cứu về hoạt động của các Viện Khổng Tử ở Anh, đây có thể coi là nghiên cứu định hướng chính sách hoàn chỉnh nhất ở Anh cho đến nay.

Báo cáo chỉ ra rằng hầu như tất cả các nguồn lực mà Chính phủ Anh đầu tư cho học tiếng Trung đều do các Viện Khổng Tử được thành lập ở nhiều trường khác nhau hưởng lợi, và số tiền ngân sách được biết từ năm 2015 đến năm 2024 lên tới ít nhất là gần 28 triệu bảng Anh. So với các đồng minh như Mỹ và Hà Lan, những nước đã áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với các Viện Khổng Tử, sự phụ thuộc trong thời gian dài từ bấy lâu nay của Vương quốc Anh vào các Viện Khổng Tử là đáng lo ngại.

Theo báo cáo, chỉ có 5 Viện Khổng Tử sẵn sàng tiết lộ nguồn và việc sử dụng quỹ; theo đánh giá từ các thông tin công khai hạn chế, Hán Ban (Hanban) là trụ sở Viện Khổng Tử, trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong gần 10 năm qua đã “lấy chỗ nọ bù chỗ kia” khoảng 15 triệu đến 38 triệu bảng Anh cho các Viện Khổng Tử tại các trường đại học cao đẳng ở Anh. Mối quan hệ cân nhắc giữa các quỹ của Trung Quốc và các trường đại học và cao đẳng liên quan của Vương quốc Anh từ lâu đã thiếu minh bạch.

Có ít nhất 30 Viện Khổng Tử ở Vương quốc Anh, số lượng có thể nói là đứng hàng đầu so với các quốc gia khác, và tiếp tục tăng thêm. Ví dụ, Đại học Mở ở Anh, được hỗ trợ bởi quỹ của chính phủ, đã ra mắt “Viện Khổng Tử trực tuyến đầu tiên trên thế giới” vào tháng Năm.

Bộ Giáo dục Anh cho biết, mặc dù gần đây chính phủ đã đề xuất các sửa đổi luật để đối phó với tác động của nguồn tài trợ nước ngoài đối với giáo dục đại học trong nước, nhưng chính phủ cũng cần đảm bảo rằng các biện pháp phòng ngừa liên quan không có tác động tiêu cực đến hợp tác quốc tế tích cực. Chính phủ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hợp tác nào có lo ngại đến an ninh quốc gia, đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng giáo dục trong việc xác định và giảm thiểu nguy cơ can thiệp từ nước ngoài.

Các nghị sĩ Anh khen ngợi việc dạy Hoa ngữ của Đài Loan

“Nhóm nghiên cứu Trung Quốc” (China Research Group) của Anh chỉ ra, theo các sinh viên Trung Quốc và Hồng Kông, sự hiện diện của các Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường đại học khiến họ cảm thấy như bị theo dõi, dẫn đến tình trạng “tự kiểm duyệt ngôn luận” ngày càng tồi tệ hơn.

Bà Alicia Kearns, chủ tịch của “Nhóm nghiên cứu Trung Quốc”, chỉ ra rằng, trong thế giới ngày nay, ngôn ngữ Trung Quốc (Hoa ngữ) và khả năng đọc và hiểu về Trung Quốc là rất quan trọng. Để ngăn chặn các cơ sở có liên quan tuyên truyền chính trị dưới danh nghĩa “dạy học”, ngoài các Viện Khổng Tử, Vương quốc Anh nên tìm hiểu khả năng hợp tác với các các đối tác giáo dục khác.

Bà Alicia Kearns nói với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) rằng Đài Loan đã chứng tỏ năng lực của mình ở Mỹ và những nơi khác khi triển khai các chương trình dạy Hoa ngữ thành công, và các chương trình này thường không có nội dung tuyên truyền chính trị hoặc đe dọa đến quyền tự do ngôn luận và học thuật.

Truyền thông Nhật Bản: Việc dạy Hoa ngữ của Đài Loan đang bùng nổ ở châu Âu, dần thay thế các Viện Khổng Tử

Ngày 30/5, Nikkei Asia đưa tin, các trung tâm học Hoa ngữ của Đài Loan đang bùng nổ ở Đức, dần thay thế các Viện Khổng Tử của Trung Quốc, bởi vì các trường đại học địa phương ngày càng cảnh giác với ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc đối với tự do học thuật của họ.

Các nhân viên của “Trung tâm Học tập Hoa ngữ Đài Loan” (Taiwan Center for Mandarin Learning,TCML) ở Đức nói với Nikkei Asia rằng trung tâm này đang chuẩn bị mở một chi nhánh mới ở Berlin.

TCML đã mở các trung tâm dạy Hoa ngữ cho người lớn như vậy ở Hamburg và Heidelberg, Đức, và chi nhánh ở Berlin sẽ là chi nhánh thứ ba.

Trong những tháng gần đây, các trường đại học ở nhiều nơi của Đức như Dusseldorf, Hamburg, Ingolstadt và Trier đã liên tiếp rút khỏi hợp tác với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc, hoặc bắt đầu tạm ngừng hợp tác.

Viện Khổng Tử ở thành phố Heidelberg nói với Nikkei Asia rằng do Trung Quốc tạm dừng kế hoạch trao đổi sinh viên trong thời gian dịch bệnh, nên không có sinh viên nào đăng ký học. 

TCML có 45 trung tâm giảng dạy Hoa ngữ trên khắp thế giới, trong đó 35 trung tâm đặt tại Mỹ, ở Vương quốc Anh, Pháp và Đức đều có 2 trung tâm ở mỗi quốc gia, ở Áo, Ireland, Thụy Điển và Hungary đều có 1 trung tâm ở mỗi quốc gia. Việc TCML sắp mở chi nhánh tại Berlin cho thấy Đài Loan đang đẩy mạnh việc mở rộng các trung tâm học tập này.

Báo cáo chỉ ra rằng việc Đài Loan thúc đẩy giảng dạy Hoa ngữ ở Đức là đúng lúc, vì chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra tuyên bố kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với sự tham gia của quốc tế vào “Đài Loan dân chủ“, điều này đi ngược lại với một số chính sách cốt lõi của Trung Quốc. 

Theo nội dung các câu hỏi Quốc hội Đức chưa công khai mà Nikkei Asia có được, phe đối lập đã hỏi liệu Chính phủ Đức có kế hoạch triển khai chương trình giáo dục Đài Loan nhằm tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Hoa ngữ của Đài Loan hay không. Chính phủ liên minh trả lời: “Các bên có mối liên hệ lợi ích của Đài Loan có thể trở thành đối tác quan trọng, cung cấp sự hiểu biết về Trung Quốc và khả năng độc lập để đưa ra các quyết định.”

Vào tháng Tư, “Hiệp hội những người bị đe dọa” (Society for Threatened Peoples) một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Đức, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tách các trường đại học khỏi các Viện Khổng Tử và ngừng tài trợ công liên quan đến Viện Khổng Tử.