Quốc hội Georgia đã nhanh chóng bỏ phiếu và xóa bỏ dự luật mà tạm gọi là “đặc vụ nước ngoài” vào hôm 10/3, do những người phản đối tổ chức biểu tình liên tiếp từ đầu tuần, trong đó ít nhất 2 đêm bạo động. Mặc dù yêu sách đã được đáp ứng hoàn toàn, nhưng dường như vấn đề vẫn chưa được giải quyết, khi mục đích cuối cùng của những người biểu tình còn xa hơn thế.

230312 georgia 002
Người biểu tình muốn Georgia nhanh chóng gia nhập EU/NATO (ảnh chụp từ video)

Trước đó, sau 2 đêm biểu tình bạo động đốt phá và đụng độ cảnh sát ở thủ đô Tbilisi — quy mô biểu tình hàng nghìn người, và có thể là hơn 10 nghìn người— Đảng Georgia Dream đã hứa từ bỏ theo đuổi dự luật gây tranh cãi. Nhưng đêm hôm sau biểu tình vẫn tiếp diễn, hối thúc quốc hội phải chính thức xóa bỏ dự luật này, với tuyên bố rằng người biểu tình không tin lời hứa, họ muốn thấy dự luật chính thức xóa bỏ.

CNN đưa tin hôm 10/3, sau khi dự luật được chính thức xóa bỏ, những người biểu tình tuy hò reo chiến thắng, nhưng họ cho biết vẫn tiếp tục đấu tranh đến chừng nào Georgia gia nhập EU, đạt được yêu cầu mà EU đòi hỏi Georgia phải theo cái được gọi là “kế hoạch 12 điểm,” mặc dù không nói rõ là họ sẽ biểu tình tiếp tục như vậy hay không.

“Đây là một chiến thắng cho nhân dân chúng tôi… chúng tôi đã nhiều lần bị phân tán, nhưng chúng tôi đã trở lại với một ý tưởng chung về châu Âu và quốc gia. Yêu cầu chủ yếu của cuộc biểu tình này là đánh bại dự luật, nhưng nguyện vọng của chúng tôi là Georgia trở thành thành viên của EU,” theo Tamar Jakeli, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, đã nói với CNN.

Video của DW (hãng tin Đức), phỏng vấn Laura Thornton phó chủ tịch một quỹ của Đức

Trước đó, giám đốc của tổ chức nhân quyền HRW, Giorgi Gogia, đã cảnh báo, “đấu tranh đường như chưa kết thúc.”

Vấn đề nằm ở chỗ người biểu tình tuyên bố nhân dân Georgia mong muốn Georgia gia nhập EU và NATO, đồng thời họ tin rằng đảng cầm quyền Georgia Dream là đảng thân Nga. Chiến tranh nổ ra ở Ukraine, được hiểu là xung đột giữa Mỹ cùng đồng minh phương Tây với Nga, đã khắc sâu thêm mâu thuẫn với chính quyền Georgia.

Việc Georgia đồng ý cho hàng trăm nghìn người Nga di trú do chiến tranh, và việc Georgia tiếp tục quan hệ kinh tế với Nga bất chấp cấm vận của Mỹ và EU —mặc dù những việc này đem lại lợi ích kinh tế cho Georgia— đã khiến phe đồng minh không hài lòng, và họ ám chỉ đó là chướng ngại lớn cho việc Georgia gia nhập EU và NATO.

Như đã đưa tin, Hoa Kỳ, EU, và thậm chí cả Ukraine, đều lên tiếng ủng hộ những người biểu tình, và quốc ca Ukraine cũng như cờ EU, cờ Mỹ và cờ Ukraine đều xuất hiện rất rõ trong các video cảnh biểu tình.

Nga tuyên bố phương Tây đang can thiệp vào nội bộ Georgia như vụ đã từng làm năm 2014 ở sự vụ Maidan, điều mà Nga miêu tả là vụ đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Ukraine.

Dự luật gây tranh cãi

Dự luật mang tên “Minh bạch về Ảnh hưởng của Nước ngoài” —mà được ngoại giới gọi bằng cái tên dễ hiểu lầm là “đặc vụ nước ngoài” (foreign agent)— yêu cầu các cá nhân, tổ chức NGO, hoặc kênh thông tin báo chí nào có 20% trở lên của quỹ đầu tư là từ ngoại quốc thì phải đăng ký với Bộ Tư pháp như là một “đại lý ảnh hưởng của nước ngoài”, theo Reuters. Nếu không, thì có thể bị phạt, thậm chí phạt nặng hoặc đi tù.

Mặc dù những nhà lập pháp của Đảng Georgia Dream nói rằng dự luật là để ứng phó những công kích nhằm vào Giáo hội Chính thống Giáo Georgia, nhưng người ta nhận định, các tổ chức ở Georgia do Hoa Kỳ và EU hậu thuẫn rất có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dự luật. Trong thời gian giao chiến ở Ukraine giữa Nga và phe đồng minh, thì việc một dự luật nhằm kiểm soát những tổ chức do nước ngoài hậu thuẫn ở Georgia dường như sẽ ảnh hưởng đến các phe.

Ned Price, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích gay gắt rằng “ám chỉ tiềm năng của dự luật này ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và dân chủ ở Georgia” và cảnh báo nếu dự luật được chấp thuận thì nó sẽ “ảnh hưởng việc Georgia gia nhập vào EU/NATO.”

Những nhà soạn luật cho hay, luật là dựa theo đạo luật FARA của Hoa Kỳ vốn có từ 1938. FARA yêu cầu các cá nhân hoặc tổ chức hoạt động ở Hoa Kỳ nhưng vận động cho lợi ích của quốc gia khác thì phải đăng ký và báo cáo hoạt động. Năm đó Hoa Kỳ đưa ra luật này là ứng phó sự ảnh hưởng từ bộ máy tuyên truyền của phe phát xít Đức.

Cả FARA của Hoa Kỳ và dự luật của Georgia đều không cấm cá nhân hay tổ chức hoạt động vì lợi ích của nước ngoài. Chúng chỉ yêu cầu họ phải đăng ký và báo cáo minh bạch. Hiện nay không chỉ Hoa Kỳ có một luật như vậy.

Những người biểu tình bác bỏ lối diễn giải đó, và nói rằng dự luật này là “luật Nga” vốn có từ năm 2012. Họ lập luận, ban đầu Nga chỉ nhắm vào các tổ chức NGO, nhưng đến năm 2019 đã mở rộng đến cả các phóng viên tự do và các bloggers, dẫn đến việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và xói mòn quyền tự do ngôn luận. Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, cáo buộc mà họ miêu tả là biến Nga trở thành con dê thế tội cho một vấn đề không phải của Nga.

Ngày 10/3, cả hai đảng Georgia Dream và People’s Power, hai đảng lớn nhất Georgia, đã nhanh chóng bỏ phiếu đồng ý xóa bỏ dự luật này. Họ nói dự luật đã gây “chia rẽ xã hội”, và nội dung cũng như mục đích của dự luật đã bị các bên bóp méo bằng “một bộ máy lừa dối.”

 

Video của hãng tin Đức DW: “Có đúng dự luật đặc vụ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến quan hệ EU hay không?”. Đoạn phỏng vấn Viola von Cramon, một nghị viên Quốc hội Châu Âu. Bà Cramon đã không chỉ ra được tại sao dự luật ảnh hưởng đến EU, nhưng bà cho biết chính quyền Georgia không thật lòng gia nhập EU, và nói đó là chính quyền thân Nga.

Nhật Tân (T/h)