Quốc hội Úc đã phản đối một đề nghị công nhận việc đối xử với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội diệt chủng. Trong khi đó, các nước như Hoa Kỳ, Canada và Hà Lan đã công nhận điều này.

Embed from Getty Images

Đây là nghị quyết kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt “tra tấn và ngược đãi trong các trung tâm giam giữ” và chấm dứt “cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương và các nơi khác ở Trung Quốc”. Đề nghị đã bị phủ quyết tại Thượng viện Úc vào thứ Hai (15/3) sau khi liên minh do Đảng Tự do lãnh đạo và Đảng Lao động thống nhất đã ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu chính thức về đề xuất này, theo SCMP.

Thượng viện đã bỏ phiếu 33-12 chống lại nghị quyết được đề xuất trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các thượng nghị sĩ cho biết họ không tin rằng kiến ​​nghị này là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề nhân quyền. Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Jonathan Duniam nhấn mạnh rằng Úc vẫn tiếp tục “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo về những vụ mất tích cưỡng chế, giam giữ hàng loạt và lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Thượng nghị sĩ độc lập Rex Patrick, người đề xuất kiến ​​nghị, cáo buộc hai đảng chính trị đã trao cho Bắc Kinh một “chiến thắng” bằng cách tự kiểm duyệt các điều kiện nhân quyền ở Trung Quốc.

Patrick, người đại diện cho bang Nam Úc, là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất tại Quốc hội Úc đối với vấn đề nhân quyền của Bắc Kinh. Vào tháng 12, ông Patrick đã ban hành luật cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa sản xuất tại Tân Cương, cũng như hàng hóa bị nghi ngờ được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức ở những nơi khác ở Trung Quốc.

Vào sớm ngày 15/3, ông đã cùng các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Canberra để thu hút sự chú ý về các chính sách của Bắc Kinh trong khu vực tự trị.

Nghị quyết thất bại được đưa ra sau khi Quốc hội Canada và Hà Lan vào tháng trước  đã thông qua các kiến nghị cáo buộc Bắc Kinh gây ra tội ác diệt chủng ở Tân Cương, sau tuyên bố tương tự của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng Giêng.

Liên Hợp quốc đã trích dẫn “báo cáo đáng tin cậy” từ các nhóm nhân quyền rằng khoảng một triệu người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Hồi giáo đang bị giam giữ phi pháp trong các khu được Bắc Kinh gọi là “trung tâm giáo dục” ở khu vực cực Tây của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đáp lại những cáo buộc về nạn diệt chủng ở Tân Cương là “lời nói dối của thế kỷ được tạo ra bởi các lực lượng cực đoan chống Trung Quốc”, nhấn mạnh rằng “các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” của họ tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của người thiểu số và đã xóa bỏ đói nghèo và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết Canberra có “cách tiếp cận hơi khác đối với cụm từ diệt chủng” so với các nước như Mỹ và Canada, nhưng đang “xác minh chặt chẽ” khả năng của một tuyên bố như vậy.

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trong năm qua bởi các lý do liên quan đến điều tra về đại dịch COVID-19, thương mại, cáo buộc can thiệp và gián điệp, cũng như vấn đề Hồng Kông và Tân Cương.

Lê Vy

Xem thêm: