Hôm thứ Năm (ngày 11/3), Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành thông qua “Quyết định của Quốc hội Nhân dân về việc cải thiện hệ thống bầu cử của Đặc khu hành chính Hồng Kông”. Việc này đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt.

130804064537100311 600x400 1
Ngày 4/8/2020, người dân vẫy cờ Anh tại khu phố đi bộ ở Mong Kok, Hồng Kông. (Song Xianglong / The Epoch Times)

Hồng Kông hoạt động dưới một hệ thống chính trị khác với Đại lục theo khuôn khổ “một quốc gia, hai thể chế”, từng được hứa hẹn một mức độ tự chủ về kinh tế và chính trị cao. Đặc khu trưởng được lựa chọn bởi một ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên, bao gồm phần lớn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những nhân vật có ảnh hưởng khác. Trong khi đó, Hội đồng lập pháp, hay còn gọi là LegCo, bao gồm 70 thành viên, một nửa trong số họ được bầu trực tiếp thông qua phổ thông đầu phiếu.

Theo cải cách quy trình bầu cử tại Hồng Kông được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua, những thay đổi có thể xuất hiện bao gồm việc chặn các ứng cử viên “không yêu nước” tranh cử. Ngoài ra, 5 “siêu ghế” trong LegCo cũng như 117 ghế trong Hội đồng Quận (thuộc ủy ban lựa chọn Đặc khu trưởng) cũng có thể bị loại bỏ với mục đích làm giảm thiểu triệt để sự đại diện của người dân trong chính phủ. Kết quả sẽ có lợi cho những người trung thành với Bắc Kinh và làm tổn hại đến phe ủng hộ dân chủ.

Ông Tập đã dần dần thắt chặt sự kìm kẹp của mình đối với Hồng Kông thông qua các biện pháp như loại bỏ những người ủng hộ dân chủ khỏi các cuộc bầu cử và cơ quan lập pháp thông qua chính quyền địa phương. Nhiều nhà hoạt động đã bị bỏ tù theo Luật An ninh Quốc gia.

Anh, Đài Loan và Nhật Bản lên án ĐCSTQ vì đã thay đổi hệ thống bầu cử ở Hồng Kông

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chỉ trích rằng nghị quyết này là “động thái mới nhất của Bắc Kinh để xóa bỏ tranh luận dân chủ ở Hồng Kông“. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng đây là một “bước lùi lớn” trong chế độ tự trị của Hồng Kông. Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã thẳng thắn tuyên bố, cái gọi là “những người yêu nước lãnh đạo Hồng Kông” chính là “những người yêu đảng cai trị Hồng Kông.”

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong một tuyên bố: “Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm ‘triệt tiêu không gian’ của các cuộc thảo luận dân chủ. Nó đi ngược lại với các cam kết của chính Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này sẽ chỉ làm xói mòn thêm lòng tin và sự tin cậy đối với Trung Quốc với tư cách là một thành viên chính của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình.”

1200px Official portrait of Rt Hon Dominic Raab MP crop 2
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (Nguồn: Richard Townshend/ Wikimedia)

Hôm thứ Tư, Quốc hội Anh đã tranh luận về vấn đề Hồng Kông. Các thành viên của các đảng phái đã chất vấn Chính phủ Anh, rằng họ không nên chỉ nói mà không làm, cần thực tế sử dụng “Đạo luật Nhân quyền Magnitsky” để xử phạt bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và các quan chức Trung Quốc, Hồng Kông khác.

Trong số đó, Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Anh, bà Layla Moran, nói rằng các nhà dân chủ ở Hồng Kông hiện đang ngồi tù, đài BBC bị Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm phát sóng, Đại sứ Anh tại Trung Quốc bị mắng mỏ, và hệ thống bầu cử dân chủ bị xóa bỏ. “Bất luận là vẽ lằn ranh đỏ này như thế nào, nó hẳn đã bị (ĐCSTQ) lấn qua”, “Chỉ bằng cách hoán đổi hành động, kẻ bắt nạt mới hiểu được những lời chỉ trích.”

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, ông Iain Duncan Smith, các nghị sĩ Đảng Lao động Anh Chris Bryant và Andrew Gwynne, v.v. đều tuyên bố rằng Vương quốc Anh không thể chỉ nói mà không làm gì cả. “Không thể tiếp tục trốn tránh, đây là thời điểm cần thực sự hành động.” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh phụ trách các vấn đề châu Á, ông Nigel Adams, trả lời rằng Vương quốc Anh đang “thận trọng và chặt chẽ” xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân.

Đài Loan cũng đã phản ứng với việc cải cách hệ thống bầu cử của Hồng Kông. Người phát ngôn của Hội đồng Các vấn đề Đại Lục, ông Khâu Thùy Chính (Qiu Chuizheng) nói rằng việc ĐCSTQ quảng bá “những người yêu nước lãnh đạo Hồng Kông” thực chất là ĐCSTQ trực tiếp quản lý Hồng Kông, chính là “những người yêu đảng cai trị Hồng Kông.”

Ông Khâu Thùy Chính cũng tuyên bố rằng các bên liên quan nên ngừng việc ngang ngược đàn áp đối với nền dân chủ và tự do của Hồng Kông, cam kết bảo vệ mức độ tự trị cao của Hồng Kông và thực hiện lời hứa của họ với người dân Hồng Kông.

Theo báo cáo của các kênh truyền thông Đài Loan, Đảng Nhân dân Đài Loan đã chỉ trích hành động của Bắc Kinh vì đã làm suy yếu thêm quyền tự trị của Hồng Kông. Người phát ngôn Đảng Nhân dân Thái Tuấn Duy (Cai Junwei) cũng nói rằng nếu ĐCSTQ bóp nghẹt phe đối lập từ “mâu thuẫn nội bộ” thành “mâu thuẫn địch – ta”, tôi e rằng sẽ chỉ làm mất lòng dân hơn nữa.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về việc cải cách hệ thống bầu cử của ĐCSTQ ở Hồng Kông và thúc giục ĐCSTQ cho phép các cuộc bầu cử công bằng ở đặc khu này.

ĐCSTQ phớt lờ cảnh báo của Hoa Kỳ, gây nên căng thẳng gay gắt hơn giữa hai nước

p2809601a714047770 ss
Hình ảnh tháng 10/2019, người Hồng Kông tham gia mít tinh ủng hộ Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông (Ảnh: Lý Thiên Chính / Vision Times).

Ngoại giới nhận xét rằng việc ĐCSTQ đã phớt lờ những lời cảnh báo của chính quyền Biden và thông qua cái gọi là “Hoàn thiện hệ thống bầu cử Đặc khu Hành chính Hồng Kông” không khác nào “ra tay phủ đầu” phía Mỹ trong cuộc đàm phán cấp cao vào tuần tới.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận vào thứ Tư (10/3) rằng các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau tại Alaska vào ngày 18/3. Đại diện của Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan. Đại diện phía Trung Quốc là Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị.

Mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn sau hành động sửa đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông.

Ngày 11/3, tờ Financial Times phân tích, quyết định của ĐCSTQ cải cách hệ thống bầu cử của Hồng Kông trước cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung đã làm nhấn mạnh thêm sự khác biệt giữa hai nước về phong trào dân chủ Hồng Kông.

Hôm thứ Tư (10/3), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cho biết tại một cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động chống lại những người vi phạm nghiêm trọng dân chủ và nhân quyền của Hồng Kông.

Ông tuyên bố rằng chính quyền Biden sẽ “tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt” đối với “những người thực hiện đàn áp ở Hồng Kông”. Ông Blinken cũng nhắc nhở các công ty Hoa Kỳ chú ý đến các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với Hồng Kông, “Nếu họ kinh doanh ở Hồng Kông, họ cần phải chú ý đến những điều này.”

Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông do ĐCSTQ cưỡng bức đưa ra vào năm ngoái đã mở đường cho việc đàn áp dân chủ trên diện rộng. Cải cách hiện tại của hệ thống bầu cử Hồng Kông do ĐCSTQ thực hiện sẽ trao cho “ủy ban bầu cử” thân Bắc Kinh quyền xem xét và bổ nhiệm các thành viên Hồng Kông.

Tờ Financial Times đưa tin, vào hôm thứ Ba, đặc phái viên ĐCSTQ tại Văn phòng Ủy viên Hồng Kông Dương Nghĩa Thụy (Yang Yirui) đã triệu tập các nhà ngoại giao nước ngoài đóng tại Hồng Kông, cảnh báo họ không nên trả đũa những thay đổi trong hệ thống bầu cử ở đặc khu này.

Ông Dương nói: “Một số rất nhỏ các quốc gia, bị thúc đẩy bởi động cơ chính trị và định kiến ​​ý thức hệ, đã đưa ra những nhận xét thiếu trách nhiệm và thậm chí đe dọa can thiệp vào quyết định của Ủy ban Trung ương về cải thiện hệ thống bầu cử.” “Ý đồ của họ nhất định là sẽ vô ích.”

Đảng viên Đảng Dân chủ tại New Jersey, ông Andy Kim nói rằng ông Biden cần đoàn kết với các đồng minh của Hoa Kỳ để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ. “Tuần này, chúng ta hãy nỗ lực đoàn kết với các nước khác. Đây là thời điểm để chứng minh rằng chúng ta không thể lùi bước.”

Chuyên gia về Trung Quốc Ryan Hass nhận định, Hoa Kỳ nên nhận ra rằng không có “viên đạn bạc” nào trong việc đối phó với ĐCSTQ và phải tiếp tục “cuộc chiến lâu dài.” Theo phân tích của ông, hành động này của ĐCSTQ chính là đặt cược rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác chấp nhận trở thành “đồng lõa” (fait accompli), và buộc phải công nhận loạt động thái gây hấn này của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Ông cũng nói rằng Hoa Kỳ có thể sẽ theo chân Vương quốc Anh và Canada trong ngắn hạn để tạo ra một đường thoát cho những công dân Hồng Kông mong muốn trốn khỏi sự đàn áp của Bắc Kinh.

Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, bà Sophie Richardson, kêu gọi ông Biden nhất quán trong lời nói và hành động của mình để thực sự thúc đẩy nền dân chủ ở Hồng Kông. Bà Richardson nói: “Chính quyền Biden nói rằng họ đứng về phía người dân Hồng Kông.” “Đây là một tuyên bố quan trọng, nhưng nó cần được chuyển thành một chính sách thực sự.”

Ngoài cuộc gặp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tuần tới, chính quyền Biden cũng sẽ tham gia vào “cuộc đàm phán 4 bên“, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Cách thức để đối đầu với ĐCSTQ sẽ là một trong những chủ đề chính của cuộc hội đàm.

Năm ngoái, cựu Tổng thống Trump đã ra lệnh hủy bỏ quy chế thương mại đặc biệt của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông, đồng thời sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ và các quan chức Hồng Kông. Ông Trump nói rằng Bắc Kinh “bóp nghẹt sự tự do của Hồng Kông, hoàn toàn nghẹt thở”, đây là “thảm kịch của Hồng Kông, Trung Quốc và người dân thế giới.”

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: