Quốc Vương Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman hôm thứ Ba (26/9) đã ký sắc lệnh cho phép phụ nữ được lái xe ô-tô, chấm dứt một truyền thống bảo thủ mà các nhà hoạt động nhân quyền xem đó là biểu tượng đàn áp phụ nữ Hồi giáo.

Nhà hoạt động nữ quyền Manal al-Sharif đăng hình ảnh cô lái xe hơi lên truyền thông xã hội hồi tháng 10/2013. 

Ả-rập Saudi, cái nôi của Hồi giáo, đã từng bị chỉ trích rộng rãi vì là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe, cho dù những năm gần đây một số vấn đề của phụ nữ tại quốc gia dầu mỏ này đã dần được cải thiện và chính phủ cũng có nhiều mục tiêu đầy tham vọng nhằm cải thiện vai trò của người phụ nữ với cộng đồng, đặc biệt trong lực lượng lao động.

Trong những năm qua, mặc dù cố gắng tu chỉnh hình ảnh hiện đại hơn, nhưng việc cấm phụ nữ lái xe thực sự làm một vết nhơ lâu năm về hình ảnh của Ả-rập Saudi trong mắt cộng đồng quốc tế.

Theo hãng tin nhà nước Ả-rập Saudi (SPA), sắc lệnh của Quốc Vương yêu cầu thành lập một cơ quan ngang bộ để đưa ra hướng dẫn trong vòng 30 ngày, và sau đó sắc lệnh sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 24/6/2018.

SPA cho hay sắc lệnh này quy định rằng việc thực thi phải “áp dụng và tuân thủ các tiểu chuẩn luật Hồi giáo Sharia chủ yếu”. Không nêu chi tiết nhưng SPA nói rằng đa số trong Hội đồng các Học giả Tôn giáo Cao cấp – cơ quan quyền lực hàng đầu của giới tu sĩ – đã chấp thuận cho phép phụ nữ lái xe.

Reuters cho biết, chỉ vài giờ sau khi có thông báo chính thức từ Ả-rập Saudi, Đại sứ nước này tại Washington, Hoàng tử Khaled bin Salman đã vui mừng nói rằng “đó là một ngày trọng đại, lịch sử của vương quốc chúng tôi”.

Hoàng tử Khaled nói: “Tôi nghĩ lãnh đạo của chúng tôi hiểu rằng xã hội của chúng tôi đã sẵn sàng. Tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn vào đúng thời điểm”.

Sắc lệnh mới của Quốc Vương Salman nhanh chóng nhận được các phản hồi tích cực ở cả trong và ngoài nước. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chào mừng động thái này như là “một bước đi tuyệt vời đúng hướng”.

Trong vòng hơn 25 năm qua, các nhà hoạt động nữ quyền đã kiên trì các chiến dịch vận động để phụ nữ được phép lái xe, biểu tình trên đường phố, gửi kiến nghị lên Quốc Vương và đăng tải video  về việc bản thân họ đang lái xe lên truyền thông xã hội.  Nhiều người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ và gặp nhiều rắc rối.

Nhà hoạt động Manal al-Sherif, từng bị bắt giam sau cuộc biểu tình xe năm 2011, đã đăng lên Twitter ngay sau thông báo của Quốc Vương để bày tỏ niềm tin của mình. Cô al-Sherif  cho biết: “Hôm nay, đất nước cuối cùng trên trái đất cho phép phụ nữ lái xe…chúng tôi đã làm được điều này”.

Latifa al-Shaalan, thành viên của Hội đồng Shura – một cơ quan cố vấn – đã nói rằng quyết định này sẽ đẩy mạnh lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân.

Phát biểu trên kênh truyền hình Arabiya TV, cô al-Shaalan nói: “Đây là một ngày lịch sử và tôi không thể tìm được lời nào để có thể diễn tả cảm xúc của mình và cảm xúc của hàng ngàn phụ nữ Ả-rập Saudi”.

Marwa Afandi, một người làm nghề tổ chức sự kiện, 35 tuổi, sống tại thành phố Jeddah, nói rằng: “Ôi Thượng đế! Điều này thật tuyệt vời. Kể từ khi ông Mohammed bin Salman lên ngôi, ông đã nhanh chóng áp dụng tất cả những thay đổi cần thiết cho đất nước chúng ta. Xin chúc mừng tất cả những người phụ nữ của tôi, đây là một chiến thắng thực sự“.

Tân Bình

Xem thêm: