Đối mặt với mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã áp dụng một chiến lược quân sự mới ở châu Á: Xây dựng các căn cứ tiền đồn nhỏ. Giám đốc CIA William Burns được tiết lộ đã bí mật đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5 trong nỗ lực xoa dịu quan hệ Mỹ – Trung, theo Reuters.

williams
Giám đốc CIA William Burns (Ảnh chụp màn hình video)

Theo hãng tin Reuters, ngày 2/2, tại cuộc họp báo chung giữa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đã tuyên bố, để ứng phó với thái độ ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh ở vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông và căng thẳng tăng nhiệt ở eo biển Đài Loan, Philippines đã trao cho Mỹ quyền mở rộng việc sử dụng các căn cứ quân sự ở nước này.

Tại cuộc họp báo chung của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đều tuyên bố rằng theo “Hiệp định Tăng cường hợp tác Quốc phòng” (EDCA) mà hai nước đã ký kết vào năm 2014, Mỹ đã được chấp thuận sử dụng 4 căn cứ quân sự mới của Philippines. EDCA cho phép Mỹ vào các căn cứ quân sự của Philippines để huấn luyện chung và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng không thể đóng quân vĩnh viễn ở đó. Số lượng căn cứ quân sự của Philippines mà Mỹ được phép sử dụng theo EDCA đã tăng lên 9 căn cứ.

Ông Galvez từng cho biết Mỹ đã yêu cầu đặt các căn cứ quân sự ở phía bắc đảo Luzon (hòn đảo gần Đài Loan nhất) và ở đảo Palawan (hướng đối diện với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông).

Mỹ tăng thêm căn cứ  tiền đồn ở châu Á

Tờ Wall Street Journal đưa tin, theo EDCA, sân bay Lal-lo ở miền bắc Philippines là một trong 4 căn cứ mới của Mỹ, được phê duyệt sử dụng cho mục đích quân sự, căn cứ này gần Đài Loan. Đây là một trong những tiền đồn ngày càng lớn của quân đội Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhằm đối phó với những thách thức và mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ chính quyền Bắc Kinh, đồng thời cũng là một chiến lược quân sự để Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào căn cứ quân sự lớn.

Trong nhiều thập kỷ, các căn cứ quân sự lớn ở châu Á là chìa khóa để duy trì khả năng răn đe quân sự mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, cùng với số lượng tên lửa đạn đạo ngày càng tăng và công nghệ tên lửa tiên tiến của Bắc Kinh, mối đe dọa đối với các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở châu Á cũng ngày càng tăng.

Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh có hơn 1.300 tên lửa đạn đạo có thể dùng để tấn công các mục tiêu quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó hơn 250 tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công căn cứ quân sự chính ở đảo Guam của Mỹ; khoảng cách giữa đảo Guam và Trung Quốc Đại Lục là khoảng 4.828 km. Việc Bắc Kinh phát triển tên lửa siêu thanh cũng thu hút sự chú ý từ thế giới bên ngoài. Bởi vì tên lửa siêu thanh không đi theo quỹ đạo bay có thể dự đoán được, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ khó đánh chặn hơn nó hơn.

Trong mô phỏng chiến tranh gần đây, các nhà phân tích an ninh Mỹ đã giả định một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, giả định rằng Bắc Kinh đã cố gắng phá hủy các cơ sở căn cứ chính của Mỹ ngay từ đầu trong cuộc chiến, bao gồm Căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Đây là căn cứ không quân lớn nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, với hơn 4 tỷ đô la tài sản quân sự bao gồm máy bay chiến đấu phản lực và các thiết bị quân sự khác.

Nếu Mỹ phân tán vũ khí, quân đội và các trung tâm chỉ huy đến các tiền đồn nhỏ hơn như Lal-lo, thì có thể khiến Bắc Kinh gặp khó khăn hơn trong việc làm suy yếu bất kỳ cơ sở quân sự nào của Mỹ. Mới đây, trong cuộc tập trận tại Philippines, máy bay cánh quạt nghiêng V-22 Osprey, trực thăng Black Hawk và Chinook của Mỹ có thể cất cánh từ sân bay Lal-lo, quân đội Mỹ cũng có thể tập kết tại sân bay này.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang bố trí ngày càng nhiều tài sản quân sự ở Úc, bao gồm cả việc phát triển chung sân bay phía bắc Úc để hỗ trợ việc tăng cường luân chuyển các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ. Mỹ gần đây cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea, thỏa thuận này có thể cho phép Mỹ sử dụng cơ sở hạ tầng của nước này.

Giám đốc CIA bí mật thăm Bắc Kinh, tìm cách xoa dịu quan hệ Mỹ – Trung

Theo các phương tiện truyền thông như Financial Times và Reuters đưa tin, 5 người nắm được tình hình tiết lộ rằng vào tháng 5 năm nay, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã bí mật đến thăm Trung Quốc và hội đàm với các quan chức của chính quyền Bắc Kinh, cố gắng xoa dịu quan hệ Mỹ – Trung.

Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, ông Burns đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Washington và Bắc Kinh duy trì các đường dây liên lạc thông tin tình báo thông suốt.

Ông Burns là quan chức cấp cao nhất của Mỹ kể từ khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến thăm Thiên Tân vào tháng 7/2021.

Cựu Giám đốc Các vấn đề Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Paul Haenle nói rằng ông Burns được các đảng viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ tôn trọng, đồng thời ông cũng tương đối hiểu rõ các quan chức của chính quyền Bắc Kinh.