Hôm 3/5, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2023, theo đó thứ hạng của Trung Quốc tụt xuống hạng 2 từ dưới lên, chỉ hơn Bắc Triều Tiên, là thứ hạng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

tu do bao chi
RSF mới công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2023. (Hình từ trang web rsf.org của Phóng Viên Không Biên Giới).

Theo công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2023 của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), năm nay Na Uy có năm thứ 7 liên tiếp đứng đầu danh sách 180 nước cùng vùng lãnh thổ; trong khi nước không thuộc Bắc Âu là Ireland có thăng hạng hiếm thấy khi vượt qua Đan Mạch (đứng thứ 3) để chiếm thứ 2; những nước xếp chót hạng đều thuộc châu Á là Việt Nam (thứ 178), Trung Quốc (thứ 179) và Triều Tiên (thứ 180).

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cảnh báo đang tăng mạnh số người làm nội dung giả mạo, ngoài việc sản xuất và phổ biến thông tin sai lệch còn cung cấp các công cụ sản xuất thông tin sai lệch, khiến khả năng giả mạo lớn chưa từng thấy. Đặc biệt giới chính trị gia cũng tham gia vào hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch làm lu mờ ranh giới giữa đúng và sai, thật và giả, làm lung lay vị thế của những nhà sản xuất tin tức chất lượng cao, làm suy thoái hệ thống truyền thông gây đe dọa nền dân chủ và tự do.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cảnh báo môi trường hiện tại thuận lợi cho Nga (thứ 164) mở rộng tuyên truyền, vì vậy thứ hạng của chỉ số vào năm 2023 của Nga lại tụt thêm 9 bậc. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Moscow đã xây dựng được kho vũ khí truyền thông mới để truyền bá thông điệp của Điện Kremlin ở miền nam Ukraine bị quân xâm lược Nga chiếm đóng, đồng thời trấn áp các phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng còn lại của Nga vốn bị chính quyền cấm, chặn hoặc tuyên bố là “đặc vụ nước ngoài”.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới chỉ ra rằng Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và Myanmar (số 173) là các chế độ độc đảng châu Á, là những nơi báo chí bị kiểm soát mức độ nghiêm trọng nhất vì chế độ toàn trị không ngừng tăng cường kiểm soát ngôn luận. Tại Trung Quốc hiện nay, số nhà báo bị nhà cầm quyền giam giữ ít nhất là 114 người, trong đó có các nhà báo nước ngoài bị cáo buộc hoạt động gián điệp; xếp ngay sau là Myanmar, từ sau khi quân đội tiến hành đảo chính vào năm 2021 thì nước này đã trở điểm đen của hoạt động thông tin.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết, sự kiểm soát chính phủ của giới tài phiệt có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo chính trị là mối nguy khác hạn chế luồng tin tức và thông tin tự do, đặc biệt là ở Ấn Độ (thứ 161). Một doanh nhân giàu có có quan hệ mật thiết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sở hữu tất cả các phương tiện truyền thông chính thống trong nước, đồng thời ông Modi cũng có một nhóm lớn những người ủng hộ chuyên theo dõi các tin tức trực tuyến chỉ trích chính phủ, qua đó thúc đẩy các chiến dịch quấy rối chống lại làm nhiều nhà báo buộc phải tự kiểm duyệt.

Về vấn đề Đài Loan, Giám đốc Cédric Alviani điều hành Văn phòng Đông Á của Tổ chức Phóng viên Không biên giới tham dự cuộc họp báo hôm 3/5 chia sẻ rằng năm nay, Đài Loan đã tăng 3 bậc lên vị trí thứ 35, vượt qua Hàn Quốc (thứ 47) và Nhật Bản (thứ 35), dù vậy không phải môi trường truyền thông ở Đài Loan được cải thiện mà là do mức giảm sút tại các nước khác. Ông cho rằng môi trường truyền thông Đài Loan mặc dù tương đối lành mạnh nhưng vẫn phân cực cao, đưa tin tràn lan, cộng với áp lực từ các chủ phương tiện truyền thông nên các phóng viên vẫn khó đưa tin độc lập và không có đủ thời gian để kiểm tra, điều kiện để thay đổi là có.

Ông cho biết, sau 6 năm quan sát ở Đài Loan, ông vẫn chưa thấy hai đảng lớn có quyết tâm rõ ràng trong việc cải thiện môi trường truyền thông ở Đài Loan, đặc biệt là chính phủ biết Đài Loan đang bị thông tin sai lệch tấn công, nhưng không làm tốt hơn, dẫn đến lòng tin của công chúng đối với truyền thông tiếp tục giảm sút. Ông kêu gọi chính phủ và các chính đảng ở Đài Loan đưa ra các kế hoạch cụ thể để cải thiện trước cuộc bầu cử tổng thống: “Mỗi khi có một cuộc bầu cử lớn ở Đài Loan, sẽ có rủi ro lớn đối với hệ thống dân chủ của Đài Loan. Hy vọng môi trường truyền thông Đài Loan trong tương lai sẽ tốt hơn, biết tôn trọng truyền thông hơn”.

Ông Cédric Alviani nêu bất ngờ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay là nước dân chủ non trẻ Đông Timor vẫn đang trong quá trình xây dựng (xếp thứ 19). Giám đốc điều hành Văn phòng Đông Á của RSF nhấn mạnh chỉ khi các quyền lực chính trị, kinh tế và tư pháp được cân bằng và kiểm soát lẫn nhau thì tự do báo chí mới phát triển được tốt hơn.

Nhất Phàm (CNA Đài Loan)