Là một nhà nước cảnh sát toàn trị với một chính sách đối ngoại hiếu chiến, Bắc Triều Tiên nhận thấy họ cần phải thực hiện các đợt khủng bố định kỳ ở nước ngoài. Các hoạt động này bao gồm ám sát, đánh bom và bắt cóc vì nhiều lý do khác nhau – một số là vì động cơ chính trị, một số là để thỏa mãn các yêu cầu thực dụng của họ. Thời gian gần đây, mật vụ của Bắc Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ khủng bố thành công, bao gồm cả vụ ám sát sử dụng chất độc thần kinh bị Liên Hiệp Quốc cấm.

trieu tien
Bảng tưởng niệm cố lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Il tại thành phố St Petersburg, Nga

Vào ngày 9/10/1983, một quả bom được điều khiển từ xa đã phát nổ vào phái đoàn Hàn Quốc có cả Tổng thống Chun Doo-hwan đang đến thăm lăng lãnh đạo Miến Điện, Aung San. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ Trưởng Thương mại, cùng 17 thành viên khác trong phái đoàn Hàn Quốc đã chết tại chỗ. Việc đặt vòng hoa tại lăng lãnh đạo Aung San là hoạt động ngoại giao thông thường khi các vị nguyên thủ quốc gia khác sang thăm Miến Điện. Một phái đoàn Bắc Triều Tiên cũng đã thực hiện một buổi lễ tương tự tại đây khoảng chưa đầy hai tháng trước khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố vào phái đoàn Hàn Quốc.

Theo Cơ quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA), ba cá nhân, sau này được xác minh là sĩ quan của Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên, đã bị giết trong cuộc đọ súng với lực lượng an ninh Miến Điện. Nhóm ba người là một hình mẫu điển hình của nhóm chiến binh bí mật Bắc Triều Tiên, đã hoàn thành việc đặt bom tại lăng Aung San, và đang cố gắng tìm cách lên tàu Tonggon Aeguk-Ho đang neo đậu tại cảng Rangoon để trở về Bắc Hàn. Giới chức Miến Điện sau đó đã thu hồi được của nhóm này 1 khẩu súng lục 25 ly của Bỉ, một số dao găm, lựu đạn cầm tay, một máy phát mật mã Morse, một máy thu tín hiệu của Nhật và các dụng cụ y tế.

Vào ngày 29/11/1987, một vụ ám sát khác xảy ra trên chuyến bay số hiệu 858 của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Airlines bay từ sân bay quốc tế Saddam, thủ đô Baghdad, Iraq tới cảng hàng không quốc tế Gimpo, bên ngoài Seoul, Hàn Quốc. Chuyến bay có 2 trạm dừng trung chuyển tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống) và Thái Lan. Trên chặng đường cuối cùng trở về nhà sau khi rời sân bay Thái Lan, chuyến bay của chiếc máy bay Boeing 707 với đầy công nhân xây dựng Hàn Quốc trở về từ Trung Đông này đã bị nổ tung trên vùng biển Andaman miền tây Thái Lan. Tất cả 115 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng.

Không lâu sau đó, hai nghi phạm của vụ khủng bố này đã bị bắt tại Vương Quốc Bahrain (Trung Đông), khi an ninh sân bay phát hiện hộ chiếu Nhật Bản mà họ mang theo là giả mạo. Hai cá nhân này, chính là các điệp viên Bắc Triều Tiên, đã tự uống thuốc độc cyanide khi họ phát hiện bị bắt giữ. Người đàn ông lớn tuổi đã tử vong, người trẻ hơn, khoảng 25 tuổi, tên Kim Hyon-hui đã được cứu sống. Sau đó Kim đã khỏe lại và khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội, nói rằng những điệp viên [Triều Tiên] khác tại Yugoslavia đã đưa cho họ một quả bom hẹn giờ giả dạng là một chiếc đài bán dẫn và yêu cầu đặt quả bom này lên chuyến bay kể trên. Hai điệp viên đã đặt quả bom hẹn giờ có chứa 350 gram thuốc nổ C-4 và một lượng chất nổ lỏng PLX lên buồng lái khi họ lên máy bay ở sân bay Baghdad. Hai người này sau đó rời khỏi chuyến bay ở trạm trung chuyển Abu Dhabi, nơi họ sau đó vô tình bị bắt vì hộ chiếu giả.

Theo lời khai của Kim Hyon-hui, ông Kim Jong Il, con trai của Chủ tịch Kim Nhật Thành (sau này là ‘lãnh đạo tương lai’ của Bắc Triều Tiên và là cha của người đứng đầu nhà nước Bắc Hàn hiện tại Kim Jong Un), đã ra lệnh thực hiện vụ đánh bom này để gây bất ổn cho chính quyền Hàn Quốc. Vụ đánh bom xảy ra vào đúng ngày kỷ niệm 34 năm ngày kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Vụ đánh bom cũng nhằm mục đích gây hoảng sợ cho các vận động viên quốc tế tham dự thế vận hội mùa hè Seoul 1988 (Olympic Seoul 1988), hoạt động mà Bắc Triều Tiên rất ghen tị với chính quyền miền Nam.

Một trong những hoạt động bí mật kéo dài nhất của Bắc Triều Tiên là bắt cóc công dân Nhật Bản. Điều này được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm việc đánh cắp danh tính (những nạn nhân cao tuổi thường sẽ bị giết hại trước để lấy danh tính làm giấy tờ giả); giữ làm thông dịch viên hoặc giáo viên dạy tiếng Nhật cho các điệp viên Bắc Triều Tiên; thậm chí để làm vợ của các điệp viên Hồng Quân Nhật Bản đang làm việc tại Bình Nhưỡng. Người Nhật thường bị bắt cóc ở khu vực phía tây Nhật Bản, vùng đất đối diện với Triều Tiên qua biển Nhật Bản, nhưng cũng có những nạn nhân bị bắt cóc ở nước ngoài như tại Đan Mạch và Tây Ban Nha. Chính phủ Nhật Bản xác nhận có 17 nạn nhân bị bắt cóc chính thức, nhưng con số thực tế có thể lên đến hàng trăm người.

>> Nơi nào có “lãnh tụ vĩ đại”, nơi đó nhân dân khổ nạn trùng trùng!

Tổng cục Do thám Bắc Triều Tiên, nơi thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên trách các hoạt động tại nước ngoài, chịu trách nhiệm chính thực hiện các chiến dịch bắt cóc này. Mục tiêu họ nhắm tới là đàn ông, phụ nữ Nhật Bản bên kia eo biển. Quy trình hoạt động như sau: các đặc vụ tìm cách tới Nhật để bắt cóc người, thường là cá nhân riêng lẻ, sau đó đánh thuốc mê họ; nạn nhân được đưa ra ngoài biển trên các con tàu nhỏ, trên biển, họ bị gom lại, chuyển lên tàu đánh cá lớn, hay thậm chí là tàu ngầm rồi vượt khoảng 800km đường biển tới cảng Chongjin, Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên gần đây đã tạm dừng quá trình bắt cóc này và thả một số nạn nhân, nhưng vẫn chưa công khai toàn bộ quy mô của hoạt động kể trên. Hoạt động bắt cóc bây giờ còn có nguy cơ lớn hơn khi Bắc Triều Tiên gần đây đang có rất nhiều công dân sống tại Nhật Bản, có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động bắt cóc khi được giao nhiệm vụ. Tức là quy trình bắt cóc rắc rối như trước là không cần thiết nữa.

Hoạt động bí mật gần đây nhất của Bắc Triều Tiên bị lộ là hành vi ám sát Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ông Kim Jong Nam vốn có bất đồng chính kiến với lãnh đạo Bình Nhưỡng, đã sống lưu vong ở nước ngoài hơn một thập niên và cuối cùng bị giết chết vào tháng Ba vừa qua tại cảng hàng không quốc tế  Kuala Lumpur, Malaysia.

Ông Kim đã bị giết hại bởi hai phụ nữ, một người Indonesia và một người Việt Nam. Hai phụ nữ này nghĩ rằng họ đang tham gia vào một trò chơi truyền hình thực tế. Tuy nhiên, hai phụ nữ đã tấn công mục tiêu bằng chất độc thần kinh VX mà họ vẫn nghĩ đó chỉ là dầu ăn trẻ em. Khi bất ngờ bị trúng chất độc cực mạnh, Kim đã ngã quỵ và chết sau đó không lâu. Bốn người Bắc Triều Tiên bị tình nghi chỉ đạo cuộc tấn công này, trong đó có một người là nhân viên của hãng hàng không quốc gia Air Koryo và ba người khác mang theo hộ chiếu ngoại giao. Các điệp viên này được cho là đã thực hiện vụ ám sát theo lệnh của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng ít tiến hành các hoạt động bắt cóc và ám sát bí mật như vậy hơn vì nhiều lý do chưa rõ ràng. Một trong những nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý và tính cách của các nhà lãnh đạo. Việc giảm các hành vị ám sát bí mật cũng có thể do Bắc Triều Tiên nhận ra rằng với một đất nước đang bị cô lập cả về chính trị và quân sự thì những hành vi như vậy sẽ trở nên rủi ro hơn. Họ đã không còn được bảo hộ bởi Liên Xô (cũ), thậm chí Trung Quốc cũng không bao bọc Bắc Hàn nữa. Thay vào đó, Bắc Triều Tiên chuyển hướng sang các hoạt động tấn công quân sự trực tiếp ví như vụ đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc bằng ngư lôi và dùng pháo binh bắn phá quần đảo Yeonpyeong năm 2010. Tuy nhiên, vụ ám sát Kim Jong Nam vừa qua đã chứng minh Bình Nhưỡng vẫn sẵn sàng thực hiện các hoạt động ám sát bí mật ở nước ngoài nếu họ cảm thấy cần thiết.

Tác giả Kyle Mizokami là một cây bút chuyên về quốc phòng và an ninh quốc gia. Mizokami đã từng viết cho các tờ  Diplomat, Foreign Policy. Ông cũng là tác giả của các ấn phẩm “War is Boring” và “ the Daily Beast”. Trong năm 2009, ông đồng sáng lập trang blog Quan sát An ninh Nhật Bản chuyên về các vấn đề quốc phòng và an ninh.

Bài viết đăng lần đầu trên tạp chí National Interest

Xuân Thành dịch

Xem thêm: