Công luận Đài Loan và Việt Nam đang nóng lên vì việc nhiều người bị thu hút bởi mức lương cao đã đến “làm việc” ở cảng Sihanoukville của Campuchia, nhưng sau đó họ bị nhốt, đánh đập, lạm dụng tình dục… Sự việc được phanh phui có bàn tay của xã hội đen Trung Quốc đứng sau hậu trường và đây chính là ‘di sản’ từ chính sách “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

id13804473 570585 600x400 1
Cơ quan chức năng Đài Loan cho biết sẽ hỗ trợ hết sức đối với những trường hợp người dân bị lừa sang các nước như Campuchia, Myanmar để lao động nhưng rồi mất tích, sau đó phát hiện họ bị giam lỏng và ngược đãi (Nguồn: CNA Đài Loan).

“Di sản” của “Vành đai và Con đường”

Gần đây, nhiều người Đài Loan và Việt Nam đã bị lừa sang Campuchia và sau đó bị giam lỏng và ngược đãi, lạm dụng tình dục và thậm chí bị mổ cướp nội tạng. Tối 20/8, Đại sứ quán ĐCSTQ tại Campuchia đã ban hành “Thư gửi đồng bào Đài Loan tại Campuchia”, khẳng định đồng bào Đài Loan là công dân Trung Quốc và việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan là trách nhiệm của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài.

Vào ngày 21/8, Bộ Ngoại giao Đài Loan phản ứng rằng cảng Sihanoukville của Campuchia trở thành điểm nóng của tội phạm chính là “di sản” từ chính sách “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ. Cho đến nay, công dân của nhiều nước gồm Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam… đã trở thành nạn nhân. Đại sứ quán ĐCSTQ tại Campuchia đã nhân cơ hội này tạo ra ảo tưởng rằng “Chính phủ của ĐCSTQ có thể hỗ trợ khẩn cấp một cách hiệu quả cho đồng bào Đài Loan ở nước ngoài”, điều này chẳng khác nào vừa phóng hỏa vừa la làng.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng tuyên bố rằng việc thực thi quyền lãnh sự là quyền của Đài Loan, quyền lãnh sự này không phải nhiệm vụ của “chính phủ nước khác”. Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Cảnh sát của Bộ Nội vụ để tăng cường liên lạc với cơ quan cảnh sát của Campuchia và các nước có liên quan, hỗ trợ các nạn nhân trở về Đài Loan trong thời gian sớm nhất.

Vào ngày 22/8, phó giáo sư Lư Chính Phong (Cheng-fung Lu) tại Khoa Quốc tế và Đại Lục tại Đại học Kim Môn của Đài Loan nói với Epoch Times rằng người Đài Loan ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ, khi có tranh chấp hoặc vấn đề nảy sinh thì Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện của ĐCSTQ ở nước đó thường lên tiếng như vậy. Trong 20 năm qua, Sứ quán ĐCSTQ luôn thừa cơ “làm thay” Đài Loan khi thấy có chuyện như vậy. Người dân Đài Loan về cơ bản biết điều này.

Ông Lư Chính Phong nói rằng cảng Sihanoukville của Campuchia là một thành phố mới do dự án “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ cung cấp vốn giúp Campuchia xây dựng. Tại cảng Sihanoukville, ĐCSTQ đã thực hiện rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng như nhà nghỉ, khách sạn, và thậm chí cả sòng bạc, điều này mang lại một số cơ hội việc làm. Một số người Đài Loan bị lừa sang Campuchia để có cơ hội việc làm như vậy.

Cựu phó giáo sư Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng Đài Loan biết rõ ý định của ĐCSTQ. Nhà chức trách ĐCSTQ không bao giờ quan tâm đến kiều bào của họ ở nhiều nước, nhưng lúc này lại lên tiếng muốn giúp đỡ những người Đài Loan đang tìm kiếm sự giúp đỡ ở Campuchia. Xin hỏi nạn nhân sớm nhất của các nhóm tội phạm này ở Campuchia chính là người Trung Quốc Đại Lục, trong số họ có ai đã được Đại sứ quán ĐCSTQ ở Campuchia lên tiếng trợ giúp?

Ông Lý Nguyên Hoa cho biết vì dịch bệnh trong 2 năm qua nên người Trung Quốc Đại Lục không thể ra nước ngoài được, hệ quả các băng nhóm tội phạm này đã bắt đầu lừa gạt những người Hoa ở các nước khác như Đài Loan, Hồng Kông, Đông Nam Á. Hiện các băng nhóm tội phạm này đã bị Đài Loan phát hiện và bị giới truyền thông phanh phui. Tại sao truyền thông ĐCSTQ lại không đưa tin? Ban đầu đối tượng mà những băng nhóm tội phạm này lừa gạt chính là những người đến từ Trung Quốc Đại Lục.

Ông nói rằng những tên trùm đứng sau những tổ chức tội phạm đó chính là tội phạm ở Trung Quốc Đại Lục, chúng đã mở sòng bạc. Những công ty mà ban đầu chúng điều hành là những khách sạn 5 sao, lừa những người ở đó với mức lương cao để giam giữ họ và bán họ.

“Ví dụ những băng nhóm lừa đảo này chi 10.000 USD để mua bạn, sau đó chúng yêu cầu bạn sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để lừa đảo qua internet. Giả sử bạn kiếm được 100.000 USD thì bạn đã tự giải thoát được cho mình, nếu bạn không thể kiếm được số tiền này, trong quá trình này sẽ có nhiều người không tin theo, vậy thì chúng sẽ dùng thủ đoạn để uy hiếp và bắt bạn phục tùng. Nếu bạn không có khả năng lừa đảo thì chúng sẽ bán bạn và thậm chí mổ bán nội tạng của bạn, đó là đáng sợ nhất. Vâng, những người đó cuối cùng chỉ có thể phục tùng,” ông Lý Nguyên Hoa nói.

Đã nhiều lần có thông tin công khai về trường hợp người Đài Loan bị lừa sang Campuchia làm việc trong hoàn cảnh bị giam cầm và ngược đãi, Cục Hình sự Đài Loan đã nhiều lần giải cứu được nạn nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan Từ Quốc Dũng (Hsu Kuo-yung) ngày 21/8 cho biết vẫn còn khoảng 370 người bị mắc kẹt. Ông Từ Quốc Dũng nói với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) rằng Chính phủ Đài Loan sẽ hợp tác giữa các bộ để tích cực giải cứu và điều tra các hành vi phạm pháp đến cùng, tuyệt đối không buông lỏng.

Ông cho biết cảnh sát Campuchia đã bắt được nhiều nhóm tội phạm như vậy, đa số là người Trung Quốc Đại Lục. Nạn nhân không chỉ là người Đài Loan, ban đầu hầu hết họ đến từ Trung Quốc Đại Lục; đến nay đã có không ít nạn nhân là người Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

Cục trưởng Cục An ninh Hồng Kông Đặng Bính Cường ngày 20/8 cho biết, ông đã nhận được 28 trường hợp người Hồng Kông xin giúp đỡ do bị dụ đến nước Đông Nam Á này. Ông cũng nói rằng do liên quan kế hoạch hành động nên ông không tiện tiết lộ chi tiết và tiết lộ hoạt động thực tế.

Hôm 23/8, ông Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Việt Nam nói với báo giới nhà nước, vụ 40 người tháo chạy khỏi casino Campuchia an toàn về Việt Nam cho biết họ bị lừa sang Campuchia thông qua không gian mạng và người quen, với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, mức lương từ 700 – 1.000 USD/tháng nên họ đã vượt biên trái phép sang nước này.

Đến nơi, công việc hàng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng theo sự chỉ đạo của quản lý casino. Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, không được trả lương nên nhóm người này bàn bạc và đi đến thống nhất vượt biên giới để về Việt Nam.

“Chúng tôi phát hiện có tình trạng lao động Việt Nam bị bán từ casino này đến casino khác, có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Công an tỉnh đã làm rõ và phát hiện 4 đường dây mua bán người ở nhiều tỉnh, thành trong nước và đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Các đối tượng này móc nối với các đối tượng bên Campuchia để thực hiện hành vi mua bán người”, ông Nơi nói.

Công an tỉnh An Giang còn phát hiện đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép và đã khởi tố, bắt tạm giam 2 người.

Cũng theo ông Nơi, tỉnh Kandal giáp ranh với An Giang có tổng cộng 8 casino, do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã dừng 1 casino, còn lại 7 casino hoạt động rất mạnh. Các casino này sử dụng rất nhiều lao động Việt Nam và các nước khác.

Hiện nay, công an tỉnh Kandal đang phối hợp với công an tỉnh An Giang rà soát lại tất cả các công dân không có giấy tờ hợp pháp để trao trả người cho Đại sứ quán và đưa người về trong thời gian tới.

Liên quan các “ông trùm” Trung Quốc

Truyền thông Hồng Kông đưa tin rằng nhiều người Trung Quốc Đại Lục đã bị lừa để làm việc ở Campuchia, các nạn nhân khi chạy thoát đã kể quá trình họ bị ngược đãi như thế nào, tuy nhiên truyền thông ĐCSTQ và nhà chức trách phía Campuchia đã bác bỏ vấn đề này.

Tờ HK01 ngày 19/8 đưa tin, người điều hành tài khoản công khai WeChat “A Long” đã tiết lộ hoàn cảnh bi đát của một người đàn ông làm việc tại Campuchia và trở thành “nô lệ máu” hồi đầu năm nay. Trong một cuộc phỏng vấn với HK01, “A Long” nói rằng gọi nô lệ máu có phần hư cấu, nhưng “tội ác và bóng tối của ‘công viên đầu tư trên internet’ chắc chắn không phải hư cấu, vấn đề ‘nô lệ máu’ đó là mở trang mạng đầu tư ròng (Công viên đầu tư trên internet là một mạng lưới cờ bạc trực tuyến và nơi tập hợp các công ty lừa đảo qua mạng internet)”.

“A Long” đề cập một nạn nhân tên Xiao Zhang đến làm việc trong một nhà máy may mặc ở Phnom Penh – Campuchia, làm chưa được một năm thì bị mất việc do đại dịch COVID-19. Sau khi nghe bạn bè giới thiệu, Xiao Zhang đến Khu công nghiệp Poipet vì tưởng rằng việc khai thác vàng thuận lợi và như hứa hẹn, nhưng thực chất Xiao Zhang đã bị một người bạn bán cho một nhóm lừa đảo với giá 26.000 USD.

Xiao Zhang không cam tâm trở thành nô lệ lừa đảo và từng gọi cảnh sát để được giúp đỡ, nhưng kẻ đi đến không phải cảnh sát mà là người của nhóm lừa đảo và côn đồ, chúng đã đánh anh bằng thanh sắt cho đến khi toàn thân đầy máu. Bọn chúng tuyên bố cảnh sát đều do chúng nuôi.

Nguồn tin cho biết, một số tội phạm Trung Quốc, dưới ngọn cờ của sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” đã cấu kết với chính quyền địa phương ở Campuchia để hoạt động lừa đảo, đánh bạc và buôn bán nội tạng, trong đó kinh khủng nhất là 3 thế lực tội phạm bị truy nã đến từ Trung Quốc.

Dong Lecheng (Đổng Lặc Thành), kẻ tuyên bố có tài sản ròng 3 tỷ nhân dân tệ, từng là ủy viên Chính hiệp khóa 8 và 9 của ĐCSTQ tại Vân Nam đã nhiều lần dính líu đến hối lộ và đầu tư bất hợp pháp vào các sòng bạc ở miền bắc Myanmar và bị kết án. Sau đó, hắn đến Campuchia để phát triển một thành phố giải trí ở Sihanoukville cùng với ông trùm sòng bạc Macau Zhou Zhuohua (Châu Trác Hoa) hiện đã bị bắt.

Theo nguồn tin, có một công viên quy mô lớn “Jin Shui” (Kim Thủy) gần khu phố Tàu ở Sihanoukville chuyên chơi game trực tuyến và lừa đảo, ông chủ đứng sau nó là Dong Lecheng (Đổng Lặc Thành).

Theo thông tin công khai, Dong Lecheng từng là ủy viên Chính hiệp khóa 8 và 9 của ĐCSTQ tại Vân Nam, là ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại tỉnh Vân Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Dehong (Đức Hoằng), Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khách sạn Du lịch Dehong, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thương mại Biên giới Thành phố Ruili (Thụy Lệ), Chủ tịch Phòng Thương mại Cảng Ruili, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Tư nhân Ruili… Dong Lecheng cũng là chủ tịch của Jingcheng Group và là đại biểu Nhân đại châu tự trị Dehong.

Một doanh nhân Trung Quốc nổi tiếng khác ở Campuchia là Xu Aimin (Từ Ái Dân) được phong tặng danh hiệu “Huân tước” ở Campuchia, thực tế hắn ta đã bị chính quyền ĐCSTQ kết án 10 năm tù vì điều hành một tổ chức cờ bạc và sử dụng ngân hàng HSBC Hồng Kông để rửa tiền. Năm 2013, Interpol đã ra thông báo đỏ đối với Xu Aimin. Khách sạn Kaibo (K.B) do Xu Aimin điều hành ở Campuchia cũng nằm tại khu phố Tàu gần Sihanoukville, cũng chuyên về trò chơi trực tuyến và lừa đảo.

Một tay trùm khác là She Zhijiang (Xa Trí Giang) đã nhập quốc tịch Campuchia và mang hộ chiếu Campuchia, hắn bị ĐCSTQ truy nã 10 năm vì tội đánh bạc xuyên biên giới, sau đó đổi tên thành Tang Kailun để đi lại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, và gần đây hắn đã bị bắt ở Thái Lan.

Theo tổ chức chống lừa đảo toàn cầu Global Anti Scam Org, She Zhijiang là một trong những chủ sở hữu của Công viên KK ở Myanmar, công viên này được biết đến với cái tên “địa ngục heo”, cách gọi “con heo” là chỉ vào hàng ngàn người nước ngoài đã bị bắt cóc đến đây làm việc.

Giáo sư Đài Loan Lư Chính Phong nói, “Chính phủ Campuchia phải có trách nhiệm đối với cho những người bị lừa gạt cũng như người thân gia đình họ ở Đài Loan, Hồng Kông và những nơi khác”.

AP ngày 19/8 đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng Campuchia Sar Kheng hôm thứ Sáu cho biết Bộ của ông đang mở một cuộc kiểm tra toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài sống ở Campuchia, ngoại trừ các nhân viên đại sứ quán.

Tuyên bố được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn sau khi chủ trì cuộc họp của các trưởng nhóm công tác liên bộ của sáu cơ quan và các thành viên của Ủy ban Quốc gia về Chống buôn bán người (NEC), trang Khmer Times ngày 20/8 xác nhận.

Theo bản tin của AP, ông Sar Kheng tuyên bố giới chức sẽ chú trọng tìm kiếm những người nước ngoài là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Ông Sar Kheng dẫn thông tin cảnh sát hai tỉnh Kandal và Preah Sihanoukville hôm thứ Năm đã kiểm tra tình trạng người nước ngoài cư trú hoặc làm việc tại các khách sạn, tài sản thuê và sòng bạc. Một số người đã bị bắt vì tình nghi tổ chức buôn người và một số nạn nhân đã được đưa vào diện bảo vệ, hiện cảnh sát đang tiếp tục xác minh thông tin của nạn nhân.

Ông Sar Kheng không nói rõ có bao nhiêu người bị bắt cũng như quốc tịch của họ, nhưng xác nhận một số người nước ngoài nói với cảnh sát rằng họ bị thu hút bởi những công việc được mô tả là hợp pháp với với mức lương cao nhưng khi tới nơi bị buộc phải làm các công việc bất hợp pháp, “không đúng như những gì họ đồng ý”.

Mộc Vệ (t/h)