Mỹ đã chính thức tái nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào hôm thứ Sáu (19/2), khoảng một tháng sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và ký hàng chục lệnh hành pháp, trong đó có sắc lệnh đưa nước Mỹ tái nhập hiệp ước khí hậu toàn cầu này.

Embed from Getty Images

Chúng ta không còn trì hoãn hoặc làm một lượng tối thiểu để giải quyết [vấn đề] biến đổi khí hậu nữa”, ông Biden nói với các nhà lãnh đạo châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị an ninh Munich được tổ chức trực tuyến hôm 19/2. “Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện hữu, và tất cả chúng ta sẽ hứng chịu tổn thất nếu chúng ta thất bại”.

Theo quy định, một quốc gia khi muốn tái nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ phải nộp yêu cầu tái tham gia bằng văn bản tới Liên Hiệp Quốc. Sau tiến trình 30 ngày, quốc gia đó sẽ chính thức tái nhập hiệp ước khí hậu toàn cầu này. Chính quyền Biden đã nộp hồ sơ tái nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 20/1 và tiến trình 30 ngày đã kết thúc vào hôm thứ Sáu (19/2).

Cựu Tổng thống Donald Trump lần đầu thông báo về ý định sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là vào đầu năm 2017. Ông đã gọi hiệp ước của Liên Hiệp Quốc để giải quyết thực trạng biến đổi khí hậu là “thảm họa hoàn toàn” đối với nền kinh tế Mỹ, trong khi nó lại quá nhẹ tay với Trung Quốc Cộng sản và vấn đề phát thải khí nhà kính của chế độ này.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu rõ ràng là một ví dụ mới nhất của việc Washington tham gia vào một thỏa thuận mà đặt chúng ta vào thế bất lợi so với lợi ích đặc biệt của các quốc gia khác, khiến những người công nhân Mỹ tôi yêu và những người nộp thuế Mỹ phải gánh chịu chi phí về mất việc làm, lương thấp, các nhà máy đóng cửa và sản xuất kinh tế thu hẹp đáng kể”, ông Trump tuyên bố vào năm 2017.

Chính quyền Trump chính thức thông báo rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2019, nhưng vì những điều khoản trong hiệp định này mà tới tận ngày 4/11/2020, Washington mới chính thức rời khỏi nó. Tính đến ngày 19/2, Mỹ mới chỉ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được 107 ngày.

Ông Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 đã nhiều lần hứa hẹn sẽ đưa nước Mỹ tái nhập thỏa thuận khí hậu Paris và thực tế đã thực hiện động thái này ngay ngày đầu ông bước vào Nhà Trắng. Ông Biden cũng đã hứa sẽ vạch ra hướng đi để Mỹ đạt được mục tiêu phát thải khí về mức không vào năm 2050.

Mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức tăng dưới 2 độ C, tốt nhất là tăng 1,5 độ C, so với mức nhiệt độ thời tiền cách mạng công nghiệp. Theo Liên Hiệp Quốc, để đạt được mục tiêu mà thỏa thuận Paris đặt ra, các quốc gia “sẽ cố gắng hoàn thành đỉnh phát thải khí nhà kính sớm nhất có thể để thế giới có được khí hậu ôn hòa vào giữa thế kỷ 21”.

Chính quyền Biden cũng nói rằng họ – vào thời điểm ông Biden chủ trì hội nghị toàn cầu Ngày Trái đất vào 22/4 năm nay- sẽ đặt ra một mục tiêu mới chặt chẽ hơn đối với yêu cầu cắt giảm khí thải tại Mỹ.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã hoan nghênh Mỹ trở lại thỏa thuận khí hậu Paris và bày tỏ hy vọng Washington sẽ chứng minh họ nghiêm túc với hiệp ước toàn cầu này và sẽ sớm thông báo về mục tiêu quốc gia mới đối với việc cắt giảm khí thải nhiên liệu hóa thạch.

Theo hãng tin AP, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Năm (18/2) đã nói rằng việc Mỹ chính thức tái nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là “rất quan trọng”.

Trong khi đó, theo NTD News, nhiều chuyên gia và các quan chức hàng đầu của Mỹ cho rằng việc Washington tái nhập thỏa thuận khí hậu Paris vào lúc này sẽ gây ra hậu quả kinh tế tàn phá đối với đất nước và không mang lại nhiều lợi ích thực sự về môi trường.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Barrasso, thành viên của Ủy ban Năng lượng Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích động thái của ông Biden. Ông Barrasso viết trên Twitter: “Quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris sẽ làm tăng chi phí năng lượng của người dân Mỹ và sẽ không giải quyết được [vấn đề] biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden sẽ đặt ra những mục tiêu không khả thi cho nước Mỹ, trong khi Trung Quốc và Nga có thể được tiếp tục sản xuất kinh doanh như bình thường”.

Tờ The Epoch Times dẫn lời ông Nicolas Loris, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Thomas A. Roe, trực thuộc Quỹ Di sản, nói rằng thỏa thuận khí hậu Paris sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

Nó sẽ gây tổn hại rất lớn cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ bởi vì 80% nhu cầu năng lượng của chúng ta được đáp ứng nhờ vào nhiên liệu thông thường phát thải carbon. Quản lý [năng lượng này] và trợ cấp cho [năng lượng] thay thế sẽ gây tổn hại cho các gia đình và người nộp thuế Mỹ”, ông Loris nói.

Bởi vì Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không có thẩm quyền mạnh mẽ và hiệu quả, nên các quốc gia đang phát triển sẽ nhận được ‘giấy thông hành miễn phí’ về khí thải của họ. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu rất có thể sẽ không đạt được mục tiêu mà nó đặt ra”, ông Loris khẳng định.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: