Sau khi thất bại trong việc kêu gọi cả khối EU thành lập một liên minh thương mại chống Mỹ, Trung Quốc hôm 30/7 đề nghị đàm phán với Anh về một thỏa thuận thương mại tự do. Động thái tiếp cận với London diễn ra khi Bắc Kinh đang phải chịu hậu quả nặng nề do cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt với Washington.

Embed from Getty Images

Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ Thương Mại Trung Quốc cáo buộc Mỹ là kẻ “bắt nạt về thương mại” sau khi Tổng thống Trump áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc – bắn phát súng đầu tiên châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Các biện pháp này chống lại lợi ích của Trung Quốc, nó đi ngược lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng công nhân và nông dân Mỹ. Nó ngăn chặn sự phát triển kinh tế thế giới. Họ [Mỹ] chỉ là một kẻ bắt nạt về thương mại”, ông Vương Thụ Văn nói với phóng viên tại Gevena, trụ sở của WTO.

Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc hậu thuẫn cho các công ty công nghệ của mình  đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ vì thế việc Mỹ áp thuế là để lấy lại công bằng đồng thời yêu cầu Bắc Kinh giảm bớt 350 tỷ USD thặng dư thương mại hằng năm mà Mỹ phải chịu.

Tại Hội nghị  thượng đỉnh châu Âu – Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 16-17/7, các lãnh đạo EU đã từ chối thẳng thừng đề nghị lập liên minh với Bắc Kinh để chống lại Mỹ.  “Trung Quốc muốn châu Âu đứng về phe họ để chống lại Washington, họ muốn EU phải chọn 1 trong 2 bên. Chúng tôi sẽ không làm vậy và chúng tôi đã nói với họ rõ ràng”, Reuters một quan chức ngoại giao châu Âu nói.

Chúng tôi đồng thuận với hầu hết quan điểm chống lại Trung Quốc từ Mỹ, chỉ là chúng tôi không đồng tình với cách Washington xử lý vấn đề”, một nhà ngoại giao khác nói.

Tuy nhiên Anh Quốc là một trường hợp khác. Sau khi rời EU với ít sự hài lòng từ các nước láng giềng, Anh Quốc ra sức tìm kiếm các mối quan hệ và đầu tư từ những nơi khác. Trung Quốc là một trong những mục tiêu tiềm năng nhất.

Phát biểu trước các nhà báo tại Bắc Kinh sau khi gặp Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, cho biết cả hai nước đã đồng ý đẩy mạnh thương mại và đầu tư lẫn nhau.

Ông Hunt cho biết ông Vương đã đưa ra đề nghị “mở các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và Trung Quốc hậu Brexit”.

“Đó là điều mà chúng tôi hoan nghênh, và chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ tìm hiểu”, Ngoại trưởng Hunt nói và không cho biết thêm chi tiết.

Ông Vương nói thêm: “Trung Quốc và Anh cũng cần phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và duy trì thương mại tự do toàn cầu”.

Một hiệp ước thương mại với Trung Quốc được xem là một chiến thắng chính trị cho chính phủ Anh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chính thức không thể bắt đầu cho đến khi nước này chính thức rời khỏi EU vào năm tới, và các cuộc đàm phán thương mại tự do thường mất nhiều năm để chốt lại.

Trong buổi họp báo, ông Vương Nghị một lần nữa chỉ trích Washington “cứng nhắc” và “cố ý thổi phồng” lập luận rằng Hoa Kỳ là nạn nhân thực sự trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Trách nhiệm về tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ nằm ở phía Trung Quốc”, ông Vương nói và trích dẫn vai trò toàn cầu của USD, tỷ lệ tiết kiệm thấp, mức tiêu thụ khổng lồ và các hạn chế của Mỹ về xuất khẩu công nghệ cao nằm trong số các lý do.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm rằng “Hoa Kỳ đã hưởng lợi rất nhiều từ thương mại với Trung Quốc, đã nhận được rất nhiều hàng hóa giá rẻ, vốn có lợi cho người tiêu dùng Mỹ, và các công ty Mỹ được hưởng lợi rất lớn ở Trung Quốc”.

“Trung Quốc không muốn đánh nhau trong cuộc chiến thương mại, nhưng khi đối mặt với thái độ hung hăng của Hoa Kỳ và vi phạm quyền lợi, chúng tôi không thể và phải có biện pháp đối phó”, Reuters dẫn lời ông Vương Nghị nói.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết thêm rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có đàm phán và đạt được một sự đồng thuận, nhưng Hoa Kỳ đã không thỏa hiệp.

“Cánh cửa đối thoại và đàm phán của Trung Quốc vẫn luôn mở, nhưng đối thoại cần phải dựa trên bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và theo nguyên tắc”, ông Vương Nghị nói. “Bất kỳ áp lực và đe dọa đơn phương nào cũng sẽ chỉ có tác dụng ngược lại”.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: