Trong một động thái chắc chắn sẽ chọc tức Bắc Kinh, một phái đoàn từ Nghị viện châu Âu sẽ tới Đài Loan vào tuần tới nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Bắc, tờ SCMP đưa tin hôm 27/10.

trụ sở EU
Trụ sở Nghị viện Liên minh châu Âu (Ảnh từ Facebook)

Theo nhiều nguồn tin mà tờ báo thu thập được, các nhà lập pháp có kế hoạch đi đến Đài Loan vào đầu tuần tới, tham gia các cuộc gặp cấp cao với các quan chức cấp cao của chính phủ Đài Loan.

Dẫn đầu phái đoàn được cho là Raphael Glucksmann, một nghị viên (MEP) người Pháp và là một tiếng nói chỉ trích thẳng thắn Trung Quốc. 

Chuyến đi diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong quan hệ hai bờ eo biển và là thời điểm tế nhị cho mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu với Trung Quốc. Các nghị viên Quốc hội đã tuyên thệ giữ bí mật về các chi tiết của chuyến đi vì “rủi ro an ninh”, thậm chí nhận được email yêu cầu họ không thảo luận về chuyến đi cho đến khi nó diễn ra.

Tuần trước, Bắc Kinh đã đả kích các nhà lập pháp châu Âu sau khi họ thông qua báo cáo đầu tiên của Nghị viện về Đài Loan, trong đó thúc giục Ủy ban châu Âu bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư song phương; đổi tên và nâng cấp văn phòng của EU tại Đài Bắc; và hỗ trợ tư cách quan sát viên cho Đài Loan tại các cơ quan quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới và Interpol.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu sẽ phát biểu trước cuộc họp của các nhà lập pháp do Liên minh Nghị viện về Trung Quốc tổ chức tại Rome vào thứ Sáu tới đây, trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở đó vào cuối tuần.

Tại Đài Bắc, các nhà lập pháp sẽ gặp gỡ các quan chức từ Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Đài Loan. Họ cũng sẽ hội đàm với Bộ trưởng Kỹ thuật số Audrey Tang và tham dự các cuộc họp tại Viện Lập pháp, Quốc hội Đài Loan.

Vào ngày 3/11, Thứ trưởng Ngoại giao Harry Tseng sẽ tổ chức bữa tiệc tối “để vinh danh phái đoàn của Ủy ban đặc biệt của Nghị viện Châu Âu về Can thiệp Nước ngoài trong tất cả các tiến trình dân chủ”, tờ SCMP viết.

Chuyến đi diễn ra ba tuần sau khi một nhóm thượng nghị sĩ Pháp đến thăm Đài Bắc, và một phái đoàn doanh nghiệp Đài Loan đã đi thăm Cộng hòa Séc, Lithuania và Slovakia vào tuần trước.

Trong một tuyên bố đề cập đến chuyến đi sắp tới, phái đoàn Trung Quốc tại EU nói rằng nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ là “nền tảng chính trị cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Trung – Âu”.

“Việc tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ yêu cầu [các nhà lập pháp EU] không nên theo đuổi bất kỳ hình thức giao dịch chính thức nào với chính quyền Đài Loan,” tuyên bố đăng trên Twitter viết.

Hành vi ngày càng gây hấn của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan đã làm dấy lên lo ngại ở châu Âu về xung đột quân sự trong khu vực. 

Trong khi đó, Đài Bắc đang nỗ lực vận động đằng sau hậu trường để tìm kiếm sự ủng hộ cho các mục tiêu của mình. Đứng đầu danh sách mong muốn là một hiệp định đầu tư song phương (BIA) với EU, được coi là sự thúc đẩy tính hợp pháp chính trị của Đài Loan ở phương Tây.

Đại sứ Đài Loan tại Brussels, Ming-Yen Tsai, nói với tờ SCMP rằng trở ngại chính cho các cuộc đàm phán là hiệp định đầu tư của EU với Trung Quốc – Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI). Hiện các cuộc đàm phán đang bị đình trệ sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số MEP.

Trích dẫn tuyên bố của Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU và “những người ra quyết định khác trong hệ thống EU”, ông Tsai nói, “tất cả họ đều coi Đài Loan là một đối tác quan trọng. Nhưng khi chúng tôi tiến hành đàm phán chính thức giữa hai bên về một BIA, có vẻ như họ vẫn đặt kỳ vọng vào CAI”.

“Họ vẫn đang trong quá trình [đưa ra] quyết định cuối cùng về việc có hay không có BIA với Đài Loan. Đề xuất hoặc lập luận của chúng tôi rất rõ ràng: BIA của Đài Loan không được phép trở thành con tin của CAI. Ủy ban châu Âu nên tách rời hai điều này.”

Các nhà kinh tế cho rằng, tính biểu tượng chính trị của bất kỳ thỏa thuận EU – Đài Loan nào đều sẽ vượt xa những lợi ích kinh tế cho cả hai bên.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: