Serbia cuối tuần qua dường như đã nhận hệ thống tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc. Động thái này diễn ra vào thời điểm phương Tây lo ngại rằng việc tăng cường vũ trang ở Balkan khi đang xảy ra xung đột Nga-Ukraine có thể đe dọa tới nền hòa bình mong manh trong khu vực.

Embed from Getty Images

Theo hãng tin AP, truyền thông và các chuyên gia quân sự hôm Chủ Nhật (10/4) nói rằng 6 máy bay vận tải quân sự Y-20 của Không lực Trung Quốc đã đáp xuống sân bay dân sự ở Belgrade vào sáng thứ Bảy (9/4) và được cho là chở theo các hệ thống tên lửa đất-đối-không để giao cho quân đội Serbia.

Truyền thông đã chụp được một số bức ảnh về các máy bay chở hàng của Trung Quốc có các dấu hiệu nhận diện quân sự tại cảng hàng không Nikola Tesla, thủ đô Belgrade.

Chuyến hàng vũ khí từ Trung Quốc tới Serbia lần này bay qua lãnh thổ của ít nhất hai quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Các chuyên gia coi đây là màn thể hiện sự vươn ra toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tạp chí trực tuyến Warzone nhận định: “Sự hiện diện của các máy bay Y-20 đã gây ngạc nhiên… Sự hiện diện của Y-20 tại châu Âu với bất kỳ số lượng nào cũng vẫn là tiến triển khá mới”.

Chuyên gia quân sự Serbia Aleksandar Radic nói rằng: “Trung Quốc đã thực hiện màn phô trương lực lượng”.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gần như đã xác nhận chuyến hàng hệ thống tên lửa tầm trung từ Trung Quốc vốn đã được hai nước ký thỏa thuận từ năm 2019. Ông nói hôm 9/4 rằng ông sẽ công bố “niềm tự hào mới nhất” của quân đội Serbia vào thứ Ba (12/4) hoặc thứ Tư (13/4).

Tổng thống Vucic trước đó đã giải thích rằng các quốc gia thành viên NATO và cũng là láng giềng của Serbia, đang từ chối cho phép các chuyến bay chở hệ thống tên lửa Trung Quốc bay qua không phận của họ trong bối cảnh có quan điểm trái chiều về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Mặc dù Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nhưng quốc gia Balkan này hiện vẫn từ chối tham gia cùng cộng đồng quốc tế chế tài Nga hoặc chỉ trích tội ác của binh sĩ Nga tại Ukraine. Serbia là đồng minh của Nga và Tổng thống Vucic cũng có quan hệ gần gũi với người đồng cấp Nga Putin.

Hồi năm 2020, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Serbia không được mua hệ thống tên lửa đất-đối-không HQ-22 của Trung Quốc với phiên bản xuất khẩu được đặt tên là FK-3. Giới chức Mỹ nói rằng nếu Serbia thực sự muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và các liên minh phương Tây khác, thì họ phải thống nhất khí tài quân sự với các tiêu chuẩn phương Tây.

Hệ thống tên lửa HQ-22 của Trung Quốc được so sánh với tên lửa Patriot của Mỹ và hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300 của Nga, nhưng tên lửa Trung Quốc có tầm bắn ngắn hơn tên lửa Nga. Serbia sẽ là quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng tên lửa Trung Quốc.

Trong những năm 1990, Serbia đã xung đột vũ trang với các nước láng giềng. Hiện nay, quốc gia Balkan này dù đã chính thức tuyên bố theo đuổi trở thành thành viên EU, nhưng vẫn tăng cường trang bị vũ khí của Nga và Trung Quốc, trong đó có máy bay quân sự, xe tăng và các khí tài khác.

Năm 2020, Serbia đã nhận một số máy bay không người lái (drone) Chengdu Pterodactyl-1 của Trung Quốc. Loại drone chiến đấu này có thể tấn công mục tiêu bằng bom và tên lửa, cũng như có thể được sử dụng vào nhiệm vụ trinh sát.

Phương Tây đang lo ngại rằng việc Serbia vũ trang bằng vũ khí của Nga và Trung Quốc có thể khuyến khích quốc gia Balkan này lao vào một cuộc chiến tranh khác, đặc biệt là với Kosovo vốn trước đây là một tỉnh của Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008. Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã công nhận nền độc lập của Kosovo, nhưng Nga và Trung Quốc phản đối.

Như Ngọc (Theo AP)